Bình Định: Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016
Thứ Sáu, 17/02/2017, 16:04 [GMT+7]
Năm 2016, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Bình Định đã tiếp 5.608 lượt/7.796 công dân đến Trụ sở tiếp công dân và các cơ quan nhà nước của tỉnh trình bày 5.368 vụ việc (2.409 vụ khiếu nại, 68 vụ tố cáo, 2.891 vụ kiến nghị, phản ánh). Có gần 72% các vụ khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ; 11,7% vụ liên quan đến lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội; 8,7% vụ về nhà ở và tài sản... Riêng 2.891 vụ kiến nghị, phản ánh liên quan hầu hết đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Trong năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 2.693 vụ khiếu nại, 227 vụ tố cáo và 1.309 vụ kiến nghị, phản ánh; số vụ đã tiếp nhận, xử lý tăng 12,2% so với năm 2015. Qua phân loại, xử lý có 1.355 vụ khiếu nại và 70 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã xem xét, giải quyết được 1.238 vụ/1.355 vụ thuộc thẩm quyền; trong đó giải quyết thông qua giải thích, thuyết phục 92 vụ; giải quyết bằng quyết định hành chính 1.146 vụ. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân trên 5,6 tỷ đồng, 2.170 m2 đất ở, thu hồi về cho Nhà nước 529 triệu đồng, 3.901 m2 đất ở; kiến nghị xem xét, xử lý kỷ luật 05 cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm.
Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN năm 2016 của Thanh tra tỉnh Bình Định |
Nhìn chung, công tác tiếp công dân của tỉnh Bình Định đã từng bước đi vào nền nếp; các cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật một số lượng lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh trong năm 2016, đồng thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài... Tuy nhiên, về quy trình tiếp nhận xử lý đơn thư, giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của một số ngành, địa phương còn vi phạm thời hạn giải quyết, trình tự thủ tục; biện pháp giải quyết chưa phù hợp, không dứt điểm vụ việc; việc tiếp công dân chưa gắn với việc chỉ đạo giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân; chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ và nhân dân…
Trong thời gian tới, để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo, các cấp chính quyền địa phương và người đứng đầu địa phương, đơn vị cần quan tâm, coi nhiệm vụ này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; mỗi địa phương cần quan tâm giải quyết dứt điểm, chú trọng giải quyết vụ việc thông qua đối thoại với công dân. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, xác minh, kết luận, đề xuất giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh, đặc biệt là những vụ việc bức xúc, đông người, vượt cấp, liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý về tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, không để kéo dài, khiến công dân bức xúc, tiếp tục khiếu kiện dai dẳng, vượt cấp, hạn chế tình trạng công dân khởi kiện quyết định hành chính của UBND các cấp tỉnh về giải quyết khiếu nại.
Duy Phương
;