Sóc Trăng: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và những cuộc đối thoại với nhân dân

Thứ Tư, 09/11/2016, 15:52 [GMT+7]
    Cùng với hoạt động đối thoại được triển khai đồng bộ ở ba cấp, công tác tiếp công dân tại tỉnh Sóc Trăng đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tiếp thu, giải quyết được những vướng mắc trong nhân dân. Nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm.
 
    Tăng đồng thuận, giảm bức xúc
 
    Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều chủ trương, chính sách luôn nhận được sự đồng thuận của nhân dân là do công tác tiếp công dân và tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được thực hiện hiệu quả. Ban Tiếp công dân được thành lập tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại Ban Tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất.
 
    Nhiều năm trước đây, vụ khiếu kiện kéo dài, đông người của bà con Nông trường 30-4, tỉnh Sóc Trăng đã gây dư luận không tốt trong xã hội. Sau khi giải thể Nông trường 30-4, bà con yêu cầu được giao đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều lần, tỉnh, thành phố lập đoàn giải quyết khiếu nại của các hộ dân, nhưng một số bà con vẫn không hài lòng và tiếp tục khiếu kiện. Trong nhiều năm, các ngành chức năng nỗ lực tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của bà con. Lãnh đạo chủ chốt các cấp nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với bà con để làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, nhằm giải quyết dứt điểm từng trường hợp.
 
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng gặp gỡ, đối thoại với người dân huyện Mỹ Xuyên.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng gặp gỡ, đối thoại với người dân huyện Mỹ Xuyên.
    Việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân đã giải quyết triệt để nhiều vụ việc, có những vụ việc là “điểm nóng” trên địa bàn trong thời gian dài. Đáng chú ý, như vụ năm đoàn khiếu kiện đông người tại TP Sóc Trăng, mà nội dung tập trung vào đền bù, giải tỏa xây dựng đường Nam sông Hậu. Công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo có tình, có lý góp phần làm dịu tình hình, người dân đồng tình, tự nguyện rút đơn. Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm, an ninh, trật tự ổn định. Các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất; căn cứ tình hình thực tế phát sinh của những vụ việc phức tạp, các cấp sẽ tổ chức tiếp xúc, gắn đối thoại với tiếp công dân. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân góp phần không nhỏ vào ổn định tư tưởng, tâm tư của người dân. Thông qua tiếp công dân, cán bộ đã giải thích, thuyết phục, hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Với các vụ khiếu nại, trước khi ban hành quyết định giải quyết đều tổ chức đối thoại cụ thể, dân chủ với người khiếu nại. Đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân có trình độ, tư cách đạo đức tốt, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong tiếp dân, được tập huấn về công tác tiếp công dân đã góp phần giải tỏa bức xúc của người dân. Thực tế cho thấy, ở cấp cơ sở, cấp huyện tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm mọi thắc mắc của người dân cho nên ở cấp tỉnh, lượng tiếp công dân giảm dần, tránh được tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
 
    Những năm gần đây, thị xã Vĩnh Châu, một thị xã trẻ, năng động của tỉnh Sóc Trăng, đang trong quá trình đô thị hóa, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường và xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua đó phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, đền bù. Một số người dân khiếu nại kéo dài do giá đất bồi thường không sát thị trường, tranh chấp đất giữa các hộ gia đình... Trước tình hình khiếu nại diễn ra gay gắt, UBND thị xã đã chủ động tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân. Từ đầu năm đến nay, UBND thị xã đã tổ chức chín cuộc đối thoại với nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình. Nhiều vấn đề tranh chấp do lịch sử để lại, một số tranh chấp do thực hiện chủ trương thu hồi đất phục vụ làm đường hoặc các công trình dân sinh. UBND thị xã đã tổ chức đối thoại để giải thích, động viên, tuyên truyền, vận động… mang lại kết quả cao. Nhiều hộ đã giao đất, nhận tiền, khắc phục được tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Việc lựa chọn nội dung đối thoại là những vấn đề người dân đang bức xúc, đưa người dân lên thế chủ động… là kinh nghiệm của thị xã Vĩnh Châu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
 
    Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Trần Đề Huỳnh Thanh Liêm, cho biết: Huyện Trần Đề thành lập Ban Tiếp dân và ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân huyện. UBND huyện phối hợp một số ngành tiếp công dân vào thứ năm hằng tuần tại trụ sở tiếp công dân với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt UBND huyện. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, huyện tổ chức các cuộc gặp mặt để người đứng đầu cấp ủy, ủy ban tiếp dân, lắng nghe ý kiến của bà con. Việc Thường trực Huyện ủy, UBND, HĐND sắp xếp thời gian để tiếp công dân góp phần giải quyết kịp thời bức xúc của nhân dân, các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài trên địa bàn huyện được kiểm soát, không phát sinh “điểm nóng”… Ngoài ra, huyện tổ chức đối thoại hai lần/năm với đại diện công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn để lắng nghe đại diện các doanh nghiệp trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.
 
    Theo Chánh thanh tra tỉnh Sóc Trăng Quách Hoàng Sáu, sáu tháng đầu năm, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng tiếp hơn 1.300 lượt công dân, tiếp một đoàn đông người, tiếp nhận 653 đơn các loại. Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách hỗ trợ đền bù giải tỏa, cấp nền tái định cư, làm đường giao thông, trong đó có một số vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết, nhưng công dân vẫn không đồng tình mà tiếp tục khiếu nại. Qua phân loại, có 133 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đến nay đã giải quyết 117 trong số 133 vụ (khiếu nại 112 trong số 127 vụ, tố cáo 5 trong số 6 vụ), đạt 87,97%. Các vụ việc còn lại đang trong thời hạn xem xét giải quyết, các cơ quan thẩm quyền tiếp tục thẩm tra, xác minh.
 
    Nâng cao hiệu quả đối thoại
 
    Với lợi thế bờ biển dài 12 km, huyện Trần Đề lấy thủy sản làm ngành kinh tế biển mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa huyện thành thị xã. Nhiều năm qua, chủ trương hỗ trợ cho ngư dân đóng mới và cải hoán tàu thuyền theo Nghị định 67 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc hỗ trợ, cho vay ưu đãi đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, cho vay có vốn đối ứng chưa được thực hiện. Người dân chưa quen đóng tàu sắt, chưa thích nghi với mô hình mới cho nên chưa mạnh dạn thay đổi sang tàu công suất lớn. Việc cho vay đóng mới, cải hoán, thủ tục giữa ngư dân với tổ chức tín dụng chưa thông thoáng, trong giải quyết thủ tục còn nhiều vướng mắc, vì vậy, người dân cũng mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay này để vươn ra biển lớn.
 
    Những lần tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân chính quyền địa phương đã ghi nhận nguyện vọng, thắc mắc của bà con. Hơn bốn năm triển khai Nghị định 67 nhưng hiệu quả thực hiện tại huyện Trần Đề chưa cao. Qua đối thoại, lãnh đạo huyện nắm được mong muốn của bà con được tiếp cận nguồn vốn từ Nghị định 67, mong muốn phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, tăng thu nhập, hướng đến đánh bắt xa bờ để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển…
Tuy đề đạt của bà con nhiều lần chưa được giải quyết, nhưng khi người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt gặp gỡ, tiếp xúc, bà con được trực tiếp nghe các chủ trương từ các đồng chí lãnh đạo, được trả lời những thắc mắc, được giải thích những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện… phần nào cũng cảm thấy hài lòng, phấn khởi trước sự quan tâm của người đứng đầu.
 
    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hoàng Văn Sum cho biết, trong nhiều vụ khiếu nại kéo dài trước đây, phần lớn người dân muốn người đứng đầu trực tiếp đứng ra trả lời, giải quyết khiếu nại. Khi người đứng đầu đối thoại, nói chuyện, trao đổi với nhân dân, thì họ thông cảm, hiểu rõ sự việc và chấp hành, cho nên đã hạn chế khiếu nại, khiếu kiện. Đối thoại đã mang lại hiệu quả, người dân củng cố niềm tin hơn với cấp ủy, chính quyền. Thông tin càng nhiều, dân càng hiểu; càng làm cụ thể, công khai, minh bạch thì nhận thức của người dân càng đầy đủ hơn.
 
    Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ và nhân dân vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt chức năng giám sát của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội tại cơ sở, đồng thời tham gia xây dựng chính quyền, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực mà người dân bức xúc. Đây là một trong những giải pháp triển khai hiệu quả nhằm tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để tuyên truyền, vận động quần chúng qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền. Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa các cấp ủy, chính quyền với nhân dân vừa góp phần mở rộng dân chủ, tăng cường mối quan hệ gắn kết trực tiếp giữa cán bộ cơ sở, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
(Báo Nhân dân)
;
.