Phú Yên: Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2016

Thứ Năm, 24/11/2016, 10:18 [GMT+7]
    Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã lãnh đạo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (BCĐCCTP) tỉnh chỉ đạo các cơ quan tư pháp và các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021; Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2016. Ban Nội chính Tỉnh ủy được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu việc mở lớp đạo tạo nghề luật sư ở địa phương trong năm 2016; tiến hành khảo sát, đánh giá đội ngũ thẩm phán của Tòa án nhân dân tỉnh, đồng thời là cơ quan Thường trực của BCĐCCTP tỉnh.
 
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Phú Yên họp, triển khai nhiệm vụ
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Phú Yên họp, triển khai nhiệm vụ
    Toà án nhân dân hai cấp tỉnh, huyện tiếp tục quán triệt và thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo quy định của ngành. Trong đó, luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ nhằm đảm bảo các vụ án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Trong năm 2016, ngành Toà án nhân dân tỉnh đã thụ lý, giải quyết 4.783/4.998 vụ án các loại, đạt 95,7%, số vụ còn lại đang được giải quyết trong thời hạn luật định. Công tác kiểm tra hoạt động xét xử đối với các đơn vị tòa án được tăng cường. Đã kiểm tra 2.698 bản án, quyết định; 2.858 hồ sơ vụ án các loại, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những sai sót. Việc quyết định hoãn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đã ra quyết định thi hành án 864 bị án, ủy thác thi hành 115 bị án; xét giảm thời gian chấp hành án phạt tù 899 bị án. Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp được quan tâm.
 
    Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp (tỉnh, huyện) triển khai thi hành đồng bộ các văn bản pháp luật mới về tư pháp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nâng cao chất lượng trong việc ban hành, phê chuẩn các lệnh, quyết định bắt, giam, giữ, truy tố, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, chủ động nắm bắt các nguồn tố giác, tin báo về tội phạm và phối hợp với cơ quan điều tra xử lý, nhất là những tin báo có tính chất phức tạp. Toàn ngành đã thụ lý kiểm sát 1.421 tố giác, tin báo về tội phạm; cơ quan điều tra giải quyết 1.238 tố giác, tin báo (đạt 87,12%); qua đó đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 09 vụ 21 bị can; ban hành 21 kiến nghị và 03 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Nâng cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn và ban hành các lệnh, quyết định thuộc thẩm quyền, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Đã nghiên cứu phê chuẩn 713 quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn 48 lệnh bắt khẩn cấp đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; thụ lý kiểm sát điều tra án hình sự 733 vụ/961 bị can. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm 427 vụ/709 bị cáo, theo thủ tục phúc thẩm 146 vụ/195 bị cáo. Phối hợp với tòa án tổ chức 42 phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng xét hỏi, tranh luận cho đội ngũ Kiểm sát viên.
 
    Cơ quan Công an các cấp triển khai các biện pháp nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng tập trung lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và cấp huyện đã thụ lý điều tra tội phạm xâm phạm về trật tự xã hội 726 vụ/925 bị can, kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 435 vụ/791 bị can; bắt, vận động đầu thú 61 đối tượng truy nã. Đã khởi tố điều tra tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ 04 vụ, 19 bị can (trong đó 01 vụ 01 bị can tham nhũng),  việc quản lý, giam giữ can, phạm nhân, quản lý người đặc xá, chấp hành xong án phạt tù, người thi hành án phạt tù còn ngoài xã hội được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. 
 
    Ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật đúng trình tự qui định của pháp luật. Đã tổ chức thi hành xong 5.073/6.382 số việc có điều kiện thi hành (đạt 79%, vượt 7% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao); thi hành xong về tiền 130 tỷ 222 triệu đồng/271 tỷ 540 triệu đồng (đạt 48%, vượt 15% so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao). Tổ chức các cuộc họp liên ngành Thi hành án dân sự tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để bàn biện pháp xử lý một số vụ án tuyên không rõ, khó thi hành và một số vụ việc đưa ra thi hành nhưng còn có quan điểm chưa thống nhất, khó khăn, phức tạp; đồng thời tổ chức họp liên ngành Thi hành án dân sự, Kiểm sát, Công an để bàn việc tổ chức cưỡng chế thi hành án một số vụ việc phức tạp, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và các bản án, quyết định của tòa án được thi hành nghiêm minh.
 
    Công tác giám sát của HĐND đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được tăng cường; thông qua công tác giám sát, một số vụ, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp của công dân đã được kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Công tác chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND trong các kỳ họp HĐND đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được chú trọng. Tại các kỳ họp HĐND, các cơ quan tư pháp đều có báo cáo cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình và trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ra quyết định và triển khai việc giám sát hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố năm 2016, kết quả đã chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác xét xử và có kiến nghị khắc phục. 
 
    Như vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư pháp, qua đó tích cực triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; các cơ quan tư pháp ngày càng phối hợp chặt chẽ hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp; chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng cao; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp có chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ pháp lý; tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp thường xuyên được củng cố, kiện toàn… đã tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Lê Ngọc Hơn
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên)
;
.