An Giang: Lấy ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Thứ Năm, 13/10/2016, 16:05 [GMT+7]
    Ngày 12-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
 
    Các đại biểu thảo luận, phân tích sâu những nội dung như: Phạm vi điều chỉnh; các hành vi tham nhũng; công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức. đơn vị; xây dựng chế độ liêm chính; kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện thanh toán qua tài khoản; minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập: (kê khai tài sản, thu nhập; quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập; theo dõi biến động về tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập); phát hiện tham nhũng (thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thông tin, phản ánh, tố cáo về tham nhũng); về cơ quan, tổ chức phòng, chống tham nhũng (PCTN); trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; PCTN trong hoạt động kinh doanh; về hợp tác quốc tế trong PCTN, xử lý tham nhũng và vi phạm  pháp luật (đây là Chương mới được bổ sung nhằm thể hiện sự nghiêm minh trong việc xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, tăng cường hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả công tác PCTN)…
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng. Qua 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việc thực hiện Luật đã tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ ngày càng được cải thiện. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả. Bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn. 
 
    Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp. Các quy định về công khai, minh bạch trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện; trách nhiệm giải trình chưa phù hợp; chưa quy định đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Luật cũng chưa quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng... 
                                                                                Trần Hoàng Kiếm
;
.