Ninh Bình: Kết quả sau 05 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước
Thứ Tư, 17/08/2016, 18:22 [GMT+7]
Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (thực hiện trong 02 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020), 05 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cải cách hành chính.
Việc niêm yết công khai thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính được thực hiện nghiêm túc. Đã thiết lập và thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính. Hiện nay, có 17/17 sở, ngành áp dụng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, trong đó có 3 đơn vị là: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp áp dụng cơ chế một cửa liên thông ở một số lĩnh vực; 8/8 UBND cấp huyện, 145/145 UBND cấp xã triển khai cơ chế một cửa. Đặc biệt, tại các đơn vị cấp huyện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy quét mã vạch, máy xếp hàng tự động để tiến tới thực hiện mô hình một cửa hiện đại.
Điểm giải quyết thủ tục hành chính một cửa liên thông tại thành phố Ninh Bình |
100% cơ quan trên địa bàn tỉnh có mạng nội bộ kết nối internet, tỷ lệ cán bộ, công chức các sở, ngành, UBND cấp huyện có máy tính làm việc đạt 82,5%; có 24/26 đơn vị đã xây dựng trang thông tin điện tử; 26/26 đơn vị triển khai phần mềm văn phòng điện tử eOffice; tỷ lệ sử dụng thư điện tử công vụ của cán bộ, công chức trong tỉnh đạt 81,67%. Đề án phòng họp giao ban trực tuyến cũng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, có 20 đơn vị được tổ chức cài đặt, hướng dẫn sử dụng, bàn giao chữ “ký số” vào thực hiện trong các hoạt động giao dịch…
Tỉnh Ninh Bình đã có 04 sáng kiến được triển khai và áp dụng trong công tác cải cách hành chính, cụ thể: Đề án tổ chức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; thí điểm triển khai Bộ Chỉ số đánh giá hoạt động của bộ phận một cửa cấp huyện; xây dựng và tổ chức thực hiện Bộ Chỉ số đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức cuộc vận động “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức” nhằm phổ biến, tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính được đẩy mạnh. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát sóng 84 số, triển khai và duy trì chuyên mục Cải cách hành chính với tần suất 01 chuyên mục/01 tháng, thời lượng 15phút/chuyên mục. Báo Ninh Bình đã đăng tải 300 tin, bài, chuyển tải được các yêu cầu, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, thông qua đó cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng và thống nhất về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước để có thái độ tích cực, hăng hái tham gia vào công cuộc cải cách hành chính nhà nước ở địa phương.
05 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiến hành 05 đợt kiểm tra việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại 96 cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có 14 cơ quan đơn vị cấp tỉnh, 08 đơn vị cấp huyện và 74 đơn vị cấp xã. Qua kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cải cách hành chính đã kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Có thể nói qua 05 năm thực hiện, Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước ở Ninh Bình đã được triển khai toàn diện trên 06 nội dung, tạo ra những chuyển biến tích cực như: thể chế kinh tế, hành chính đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội; nhiều thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản, công khai giúp hạn chế phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính được quy định rõ hơn, khắc phục được tình trạng chồng chéo về thẩm quyền, nhiệm vụ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trình độ và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được nâng lên; việc ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 trong quản lý nhà nước đang được duy trì và phát huy tác dụng tích cực trong hoạt động phục vụ nhân dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Cù Tất Dũng
;