Kiên Giang: Kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng
Thứ Tư, 17/08/2016, 17:48 [GMT+7]
Qua 6 năm thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 17-5-2010 của Bộ Chính trị “Về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”, Tỉnh ủy Kiên Giang xác định công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng; các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến quán triệt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, trường chính trị, báo, đài xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp; hằng năm cụ thể hóa triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt yêu cầu kế hoạch đề ra: Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác xây dựng Đảng và những vấn đề dư luận bức xúc, xã hội quan tâm... Đối tượng kiểm tra là tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu và phù hợp với tình hình, nội dung kiểm tra, giám sát. Từ đó, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy trình, thủ tục, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng.
Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2015 |
Cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 4.546 tổ chức đảng cấp dưới và 24.624 đảng viên, qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật 134 đảng viên; giám sát đối với 3.574 tổ chức đảng và 21.132 đảng viên, trong đó có 2.675 cấp ủy viên các cấp. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 304 tổ chức đảng cấp dưới và 1.147 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết và tham mưu giúp cấp ủy giải quyết xong 01 đơn tố cáo tổ chức đảng, 492 đơn tố cáo đối với 502 đảng viên, 21 đơn khiếu nại kỷ luật đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra 1.837 tổ chức, kiểm tra thi hành kỷ luật trong đảng 515 tổ chức, kiểm tra tài chính đảng 2.682 tổ chức.
Song song đó, cấp ủy quan tâm củng cố, kiện toàn ủy ban kiểm tra các cấp đủ về số lượng, cơ bản đảm bảo chất lượng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ. Hiện nay cán bộ làm công tác kiểm tra của ủy ban kiểm tra các cấp có 1.446 đồng chí, cấp tỉnh 32 đồng chí; cấp huyện và tương đương 148 đồng chí; cấp cơ sở 1.301 đồng chí. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Ban Bí thư chuẩn y Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và 11 Ủy viên; đã chuẩn y kết quả bầu cử 134 ủy viên ủy ban kiểm tra cấp huyện và tương đương. Đồng thời, đã mở 07 lớp bồi dưỡng công tác đảng cho cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn, với 1.110 học viên tham dự; mở 35 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho 2.423 cán bộ ủy ban kiểm tra cấp huyện và cơ sở; cử tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức.
Qua kiểm tra, giải quyết tố cáo, khiếu nại, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp xử lý kỷ luật 14 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách và kỷ luật 1.861 đảng viên. Nội dung vi phạm: Nguyên tắc sinh hoạt Đảng; chỉ thị, nghị quyết, tinh thần trách nhiệm, tham nhũng, cố ý làm trái, phẩm chất đạo đức, lối sống, những điều đảng viên không được làm...; đồng thời, phát hiện sai phạm 30,189 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước 9,767 tỷ đồng và truy thu tiền đảng phí hơn 164,734 triệu đồng. Ngoài ra, còn đình chỉ sinh hoạt đảng 31 trường hợp và chuyển cơ quan thẩm quyền xử lý bằng pháp luật 86 trường hợp (phạt tù, án treo 63, xử lý hành chính 23 trường hợp).
Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban kiểm tra các cấp thành lập Ban Tuyên truyền, xây dựng quy chế, kế hoạch tuyên truyền; ban hành quy chế người phát ngôn, quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp Ủy ban kiểm tra, theo đó phân công đồng chí Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra là người phát ngôn của cơ quan. Ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sau các cuộc kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo, khiếu nại, kỷ luật Đảng theo quy chế đề ra.
Với những kết quả đạt được trong thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Đảng bộ tỉnh rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tạo chuyển biến đồng bộ trong nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy nhận thức sâu sắc và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó công tác kiểm tra, giám sát mới thật sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Hai là, xác định mục tiêu công tác kiểm tra, giám sát là phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng, “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”; kết quả công tác kiểm tra, giám sát phải góp phần củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ba là, trong hoạt động công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật trong Đảng phải làm tốt công tác tư tưởng, phương pháp tế nhị, khéo léo, kiên quyết, đúng quy trình, quy định; kết luận phải có căn cứ chắc chắn, thuyết phục và cần quan tâm đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện kiến nghị sau kiểm tra, giúp cho công tác kiểm tra đạt hiệu quả toàn diện.
Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát có ý nghĩa quan trọng đến chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát của đảng. Vì vậy, phải thường xuyên xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.
Quốc Tuấn
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)
;