Công an tỉnh Điện Biên: Tăng cường giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh; có 398 km đường biên giới với Trung Quốc và Lào; có 19 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 81,4%; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, nhận thức pháp luật của nhân dân ở vùng cao, biên giới còn hạn chế, nhiều phong tục tập quán lạc hậu… trong những năm qua, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu lôi kéo người để lập “Vương quốc Mông”, truyền đạo trái pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó tình trạng di cư tự do, xuất, nhập cảnh trái phép có chiều hướng phức tạp; tình trạng tranh chấp đất đai, đơn thư, khiếu kiện vượt cấp vẫn xảy ra; tình trạng tái trồng cây thuốc phiện vẫn còn xảy ra.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Điện Biên tuyên truyền, vận động đồng bào H’Mông huyện Nậm Pồ phá bỏ cây thuốc phiện |
Phát huy vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như các mô hình: “Dòng họ tự quản”, “Liên kết bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn giáp ranh”, "Đội tình nguyện tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên", "Cổng trường học an toàn về giao thông, trật tự", "Tổ phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật", "Đoạn đường Cựu chiến binh tự quản về an ninh, trật tự", "Tổ hòa giải về an ninh, trật tự ở cơ sở"... đã tạo sự lan tỏa, chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh, trật tự.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng, trong đó chú trọng lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên; tích cực đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, từng bước đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; cung cấp các tài liệu, tư liệu mới để cán bộ tuyên truyền cập nhật; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng sư phạm, kỹ năng nói, hiểu biết phong tục tập quán và tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ báo cáo viên. Đã tổ chức 1.833 cuộc họp tuyên tuyền về công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống ma tuý; phòng, chống mua bán người; phòng, chống tệ nạn tự tử bằng lá ngón; trật tự an toàn giao thông tới 130/130 xã, phường, thị trấn; 100% thôn, phố, bản, cơ quan, doanh nghiệp và các nhà trường với 260.974 lượt người tham dự (chiếm 2/3 dân số toàn tỉnh).
Qua công tác tuyên truyền, vận động, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp cơ quan chức năng điều tra làm rõ các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự; vận động phá nhổ 27 héc ta cây thuốc phiện trồng trái phép tại vùng sâu, vùng xa, biên giới; vận động nhân dân giao nộp 4.386 khẩu súng các loại, 5.570 nòng súng, 18 đầu đạn pháo, 127 viên đạn quân dụng, 20 lựu đạn, trên 1.500 bẫy kiềng; giáo dục cảm hóa trên 6.000 lượt đối tượng, tệ nạn xã hội, gây rối trật tự công cộng.
Hằng năm, Công an tỉnh tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở giúp nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường dân sinh, nhà bán trú cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân.... Phối hợp các ngành chức năng thực hiện hiệu quả các đề án sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn, như: Xây dựng nông thôn mới; Đề án 79/CP của Chính phủ về sắp xếp ổn định dân cư, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại huyện Mường Nhé đến năm 2020; Đề án 2627/CP về giải quyết di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào. Ngoài việc tuyên truyền, lực lượng công an thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì, củng cố các tổ chức quần chúng, qua đó đã phát huy hiệu quả thiết thực trong bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm
Bên cạnh công tác tuyên truyền miệng, còn đẩy mạnh tuyên truyền trên: Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, Báo Điện Biên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh…, coi công tác phối hợp tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Hằng tháng, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và triển khai chuyên mục “An ninh Điện Biên” để tuyên truyền, thông tin kịp thời chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị quan trọng, phản bác luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, phổ biến pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật, bảo vệ pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện pháp luật về đảm bảo an ninh, trật tự, phản ánh sâu sắc các mặt công tác, chiến đấu, những chiến công của lực lượng Công an tỉnh. Hoạt động của cán bộ, đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng trong Công an tỉnh ngày càng đổi mới và đạt được kết quả khá toàn diện góp phần không nhỏ trong việc ổn định quốc phòng, an ninh, từng bước phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến biên giới.
Cù Tất Dũng