Nghệ An: Hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Hòa giải ở cơ sở được xác định là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình giải quyết những vụ việc có liên quan đến tranh chấp, khiếu nại nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, tháo gỡ vướng mắc, góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm, ổn định an ninh trật tự, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì thế trong những năm qua, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện công tác này với nhiều giải pháp đồng bộ.
Để tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải cơ sở, Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ký Chương trình phối hợp về tăng cường thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở. Sau khi Chương trình được ban hành, tất cả các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Chương trình phối hợp giữa Phòng Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện.
Tổ hòa giải thôn Lam Khê, xã Chi Khê, huyện Con Cuông |
Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho 100% cán bộ tư pháp cấp xã về kỹ năng, nghiệp vụ công tác hoà giải ở cơ sở, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biên soạn tài liệu cung cấp cho các học viên để trên cơ sở đó, cán bộ tư pháp cấp xã về triển khai công tác hoà giải ở địa phương.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở, công tác kiện toàn các tổ hòa giải luôn được quan tâm chỉ đạo. Hiện tại, tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị cấp huyện với 5.957 tổ hòa giải, 38.086 hòa giải viên, trong đó có 2.077 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật (chiếm 5,45%), 12.473 hòa giải viên có trình độ khác (chiếm 32,75%), 23.536 hoà giải viên chưa qua đào tạo (chiếm 61,80%). Năm 2015, toàn tỉnh tiếp nhận 6.048 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành công 4.719 vụ (chiếm 78,02%), hòa giải không thành 1.111 vụ (chiếm 18,38%), số vụ việc đang giải quyết 218 vụ (chiếm 3,60%).
Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức nhiều Hội thi Hòa giải viên giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh, qua đó giúp hoà giải viên nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở, đồng thời lựa chọn và tôn vinh các hoà giải viên xuất sắc.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản về việc quản lý và sử dụng kinh phí, phân bổ ngân sách hỗ trợ địa phương về công tác hòa giải. Công tác kiểm tra, giám sát hòa giải cơ sở được thực hiện thường xuyên, gắn với kiểm tra, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở địa phương theo quy định để đánh giá kết quả hoạt động của công tác này, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục vướng mắc, khó khăn.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở tại Nghệ An thời gian qua còn một số hạn chế nhất định. Một bộ phận đội ngũ hòa giải viên thiếu kiến thức và kỹ năng hoà giải, ngại va chạm nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn dân cư; kinh phí hòa giải chưa được hỗ trợ phù hợp, hiệu quả công tác chưa cao.
Nhìn chung, thời gian qua công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Nghệ An có những chuyển biến tích cực góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh trật tự, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua công tác hòa giải cũng đã nâng cao nhận thức, ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của công dân.
Cù Tất Dũng