Hà Tĩnh: Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính
Thứ Hai, 25/04/2016, 15:38 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 12-4-2016, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2015, Hà Tĩnh vươn lên tốp 5 tỉnh dẫn đầu.
Trong thời kỳ hội nhập phát triển, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, chuyên nghiệp. Đây là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Tĩnh.
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, Hà Tĩnh đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có hạng mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng phần mềm nền dịch vụ công trực tuyến” để triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, đánh giá kết quả cải cách hành chính của Công an tỉnh Hà Tĩnh |
Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung trong các ngành, các cấp, chú trọng hướng thuê dịch vụ nhằm nâng cao tính đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả đầu tư và giảm chi phí đầu tư ban đầu. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo hình thức PPP và cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin...
Tiếp tục quan tâm hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin ở cơ quan nhà nước cấp xã, phường, nhất là các xã miền núi, miền biển, vùng khó khăn, biên giới; các xã về đích trong xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi, thu hẹp khoảng cách số hóa giữa nông thôn và thành thị.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, không ngừng nâng cấp, phát triển và liên kết sàn thương mại điện tử của tỉnh với các sàn lớn trong và ngoài nước để mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của tỉnh; tiếp tục xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các khu kinh tế, các cụm công nghiệp và dịch vụ logistics (là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao) nhằm tạo động lực cho phát triển.
Dự kiến năm 2016 sẽ có thêm 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được đưa vào sử dụng: Văn phòng UBND tỉnh với 34 dịch vụ trên 6 lĩnh vực; Sở Thông tin và Truyền thông 20 dịch vụ trên 3 lĩnh vực; Sở Kế hoạch - Đầu tư 6 dịch vụ trên 2 lĩnh vực; Sở Nội vụ 13 dịch vụ trên 2 lĩnh vực; UBND Thành phố Hà Tĩnh 19 dịch vụ trên 4 lĩnh vực; UBND huyện Nghi Xuân 18 dịch vụ trên 5 lĩnh vực; UBND huyện Hương Sơn 16 dịch vụ trên 3 lĩnh vực; UBND huyện Lộc Hà 39 dịch vụ trên 2 lĩnh vực; UBND huyện Hương Khê 14 dịch vụ trên 2 lĩnh vực và tiếp tục triển khai 108 dịch vụ công trực tuyến tại 8 sở, ngành, đơn vị.
Hiện nay, 85% cán bộ cấp xã được phổ cập kỹ năng công nghệ thông tin; 100% cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện được chuẩn hóa kỹ năng, nghiệp vụ chuyên trách công nghệ thông tin... kiện toàn Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; rà soát lại hệ thống hạ tầng phục vụ công nghệ thông tin để có sự xem xét đầu tư, tránh lãng phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị, địa phương...
Cù Tất Dũng
;