"Tiếng mõ an ninh" giữ bình yên cho bản làng

Thứ Tư, 02/03/2016, 10:49 [GMT+7]
    (BNCTW) - Các xã vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang luôn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Có những thời điểm liên tục xảy ra các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với những vụ giết người, chiếm đoạt phụ nữ, bắt cóc trẻ em, trộm cắp trâu, bò, vượt biên trái phép, vận chuyển, mua bán các chất ma túy, tội phạm nước ngoài xâm nhập … gây cho người dân sợ hãi, hoang mang. Để ngăn chặn các loại tội phạm nguy hiểm, lực lượng Công an tỉnh Hà Giang mà trực tiếp là Công an các huyện giáp biên giới đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng các mô hình tự quản về an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Nổi bật nhất phải kể đến việc xây dựng mô hình “Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn”. Tiếng mõ nhằm báo động, phát tín hiệu cho toàn dân biết có tội phạm xảy ra và có chiếc gậy trong tay để chống lại tội phạm để tự mình bảo vệ bản làng và gia đình mình.
 
    Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Giang đã chọn 02 xã Bạch Đích và Phú Lũng của huyện Yên Minh thực hiện chỉ đạo điểm để nâng cao tính tự quản trong nhân dân, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Cán bộ, chiến sĩ Công an luôn sát cánh cùng bà con, đến từng nhà phổ biến với bà con công dụng của chiếc mõ, chiếc gậy, dùng chúng sao cho đúng để cùng lực lượng Công an huyện đảm bảo an ninh, trật tự thôn bản. 
 
Mõ an ninh của người dân xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
Mõ an ninh của người dân xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
    Lực lượng Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt diễn tập vây bắt tội phạm ở cấp thôn, bản và cấp xã. Với những tình huống giả định như: Có đối tượng lẻn vào một gia đình để thực hiện hành vi tội phạm thì bị gia chủ phát hiện. Sau tiếng mõ của gia đình bị mất trộm vang lên để báo động là tiếng mõ của các gia đình trong bản đáp lại và tất cả mọi người đều vào cuộc vây bắt. Với sự giúp sức của tất cả mọi người trong bản, chỉ trong một thời gian ngắn, đối tượng đã bị khống chế, bắt giữ. Những bài tập huấn truy bắt tội phạm rất thiết thực của Công an huyện đã thu hút được sự tham gia đông đảo của bà con.
 
    Tính đến nay, các xã trên toàn huyện Yên Minh đã tổ chức diễn tập 495 lượt/282 thôn, bản với 375.780 lượt người tham gia; nhân dân đã tự trang bị 13.995 chiếc mõ tre, 20,048 chiếc gậy gỗ và đèn pin chiếu sáng để phục vụ cho việc truy bắt tội phạm.
 
    Từ năm 2012 đến nay, tại xã Bạch Đích không xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em nào, các vụ trộm cắp tài sản và gia súc rất ít xảy ra. Những thành công của mô hình “Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn” đã khiến cho thôn, bản luôn có được sự bảo vệ. Nhờ thực hiện tốt mô hình này, lực lượng Công an cũng không phải nhận thêm nhiều vụ trọng án như trước, công tác phòng, chống tội phạm đã có những hiệu quả thiết thực đem lại sự ổn định về an ninh trật tự cho đồng bào. 
 
    Mô hình “Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn” được tỉnh Hà Giang nhân rộng ra tất cả các huyện, xã biên giới, vùng sâu, vùng xa đã phát huy hiệu được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm trên toàn tuyến biên giới, từ đó đẩy mạnh được phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc”. Nhưng điều đáng nói hơn cả “Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn” đã giúp người dân và lực lượng Công an Hà Giang xây dựng được là một sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau cùng hướng tới mục tiêu giữ bình yên bản, làng đẩy dần đi mầm mống tội phạm nơi biên ải.
Cù Tất Dũng
;
.