Tiền Giang: Tăng cường thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Sáu, 19/02/2016, 13:33 [GMT+7]
    Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
    Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều bất cập, thiếu tính nhất quán; có lúc diễn biến phức tạp, chưa được xử lý kịp thời, nhất là liên quan đến chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa làm triệt để đã làm nảy sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài; một số vụ việc đã có quyết định giải quyết của các cấp có thẩm quyền nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc trong nhân dân; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng hiệu quả chưa cao…
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Luật tiếp công dân và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tỉnh Tiền Giang
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Luật tiếp công dân và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
tỉnh Tiền Giang
    Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
    Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền, bảo đảm đúng bản chất, nội dung khiếu kiện của người dân, khắc phục tình trạng đưa tin một chiều, phản ánh không đúng bản chất sự việc. 
 
    Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp dân trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
 
    Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành ngay việc rà soát, xác định rõ các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, nổi cộm, đông người ở từng địa bàn, theo lĩnh vực. Trên cơ sở đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm chính và cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm phối hợp để giải quyết dứt điểm từng vụ việc; không để phát sinh thành “điểm nóng”. Chủ động giải quyết kịp thời các tình huống khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, đảm bảo giữ vững tình hình an ninh, chính trị tại địa phương, đơn vị.
 
    Đối với từng vụ việc khiếu nại, tố cáo, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý phải được xử lý đúng thời gian quy định, không để kéo dài; nếu để xảy ra vi phạm thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
 
    Đối với một số vụ việc khiếu nại đông người, gay gắt, phức tạp, khi có dấu hiệu bất thường, làm mất an ninh, trật tự; yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải có phương án ngăn chặn, vận động, thuyết phục, không để tụ tập gây mất trật tự.
 
    Nghiêm túc thực hiện việc tiếp dân thường xuyên, tăng cường công tác đối thoại, hòa giải, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích để công dân hiểu, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Như Nguyên
(VOV)
;
.