Một số kết quả chủ yếu của Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên sau ba năm thành lập
Chủ Nhật, 14/02/2016, 07:45 [GMT+7]
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngành Nội chính Đảng (05/01/1966 - 05/01/2016), phóng viên Tạp chí Nội chính đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên về kết quả của Ban Nội chính Tỉnh ủy sau khi tái lập.
Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá khái quát một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất về công tác nội chính và PCTN, từ khi tái thành lập đến nay?
Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở Đề án (số 15-ĐA/TU ngày 10-6-2013) và Quyết định (số 1670-QĐ/TU ngày 12-6-2013) của Tỉnh ủy.
Đến nay, Ban có 20 cán bộ, công chức, nhân viên, gồm: 01 Trưởng Ban (là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020), 02 Phó trưởng Ban; 03 Trưởng Phòng, 02 Phó trưởng Phòng và tương đương; 02 chuyên viên cao cấp, 03 chuyên viên chính, 11 chuyên viên, 04 nhân viên.
Ban có 02 phòng nghiệp vụ là Phòng theo dõi công tác các cơ quan nội chính, Phòng theo dõi công tác PCTN và Văn phòng.
Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tích cực triển khai thực hiện. Kết quả cụ thể: Ban đã tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 36 văn bản về công tác nội chính và PCTN, gồm: 01 chỉ thị; 07 quyết định; 04 quy chế; 01 chương trình; 01 quy định; 06 kế hoạch; 01 kết luận; 13 báo cáo; 02 công văn chỉ đạo. Trong đó, có nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác nội chính và PCTN, cụ thể như: Công văn quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự phụ trách công tác nội chính và PCTN ở cấp huyện và các cơ quan, đơn vị; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh; Quy định về sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với công tác nội chính và PCTN; Kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; Công văn về tăng cường lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PCTN;...
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên |
Ban đã tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tổ chức 03 hội nghị toàn tỉnh về công tác nội chính và PCTN và nhiều hội nghị quan trọng như: Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10-012008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 15CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận số 92KL/TW ngày 13-3-2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và phổ biến Hiến pháp năm 2013 cho lãnh đạo các cơ quan tư pháp tỉnh, thường trực các huyện, thành, thị ủy và cán bộ có chức danh tư pháp của tỉnh; Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (số 91-KH/TU ngày 15-4-2015); Báo cáo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 35CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (số 345-BC/TU ngày 10-02-2015); Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 33CT/TW ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản (số 362-BC/TU ngày 06-5-2015);…
Tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy ký các quyết định: Ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong công tác nội chính, PCTN và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác nội chính và PCTN. Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng đã tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với 05 trường hợp (bổ nhiệm lại 02 Phó Chánh án, 01 Thẩm phán trung cấp Tòa án nhân dân tỉnh; kỷ luật Viện trưởng, 01 Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh); tham gia Tổ công tác của Tỉnh ủy xem xét thi hành kỷ luật đảng đối với 01 cán bộ thuộc ngành Tòa án.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết cụ thể về việc Ban Nội chính Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác PCTN?
Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Hàng năm, Ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các đoàn kiểm tra công tác lãnh đạo thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, nhất là những ngành, lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tham nhũng.
Cụ thể là: Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013; việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 11-6-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW ngày 05-82013 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 21KL/TW ngày 25-5-2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 2010-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 25-4-2015 về việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo Hướng dẫn số 06HD/BNCTW ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương; ban hành Quyết định số 2981QĐ/TU ngày 07-5-2015 về thành lập Đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế và những vấn đề phức tạp xảy ra ở địa phương, Ban đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý như thế nào?
Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế và những vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban đã phát huy vị trí, vai trò là cơ quan chủ trì, khâu nối, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, nhất là tham mưu chỉ đạo xử lý, giải quyết được nhiều vụ việc, vụ án nổi cộm, nghiêm trọng, phức tạp; tham mưu xử lý, giải quyết các vụ khiếu khiện kéo dài, đông người, phức tạp diễn ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đối với 05 vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: (1) Vụ việc sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai tại huyện Đồng Hỷ thời kỳ 2001-2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án; (2) Vụ việc sai phạm tại Trường THCS Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Công an huyện Phú Lương đã khởi tố vụ án; (3) Vụ việc sai phạm xảy ra tại UBND xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên theo Kết luận thanh tra số 165/KL-TTr ngày 16-8-2006 của Thanh tra tỉnh; (4) Vụ việc khiếu nại, tố cáo của các hộ kinh doanh tại chợ Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên; (5) Đặc biệt, đối với vụ án “chứa mại dâm” xảy ra tại nhà nghỉ Thùy Linh, xóm Phúc Long, thị trấn Bắc Sơn, huyện Phổ Yên có dấu hiệu oan, sai; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã có Quyết định đình chỉ vụ án;
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xem xét, lựa chọn, đưa vào diện theo dõi, đôn đốc đối với 12 vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể, đó là:
07 vụ án, vụ việc theo dõi và đã giải quyết xong: (1) Vụ án tham nhũng xảy ra tại UBND xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; (2) Vụ án cán bộ địa chính xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (3) Vụ án tham ô tài sản tại dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 giai đoạn II năm 2012 đối với UBND xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai; (4) Vụ Giám đốc Công ty cơ khí Phổ Yên, chi nhánh tại TP . Hồ Chí Minh tham ô tài sản; (5) Vụ Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lương vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách; (6) Vụ việc người lao động tại Trung tâm Điện ảnh kiến nghị xử lý sai phạm tại Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên; (7) Vụ việc trốn thuế của Công ty Cổ phần Triệu Đại Dương, Chi nhánh Thái Nguyên. 05 vụ án, vụ việc đang theo dõi, đôn đốc xử lý: (1) Vụ án Vi Nghĩa Hà lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; (2) Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng; (3) Vụ án Nguyễn Mạnh Cương, Nguyễn Đại Phong cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên; (4) Vụ việc vi phạm trong quản lý tài chính tại Trường tiểu học Lâu Thượng, huyện Võ Nhai; (5) Vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến bà Đinh Thị Thế và Thanh tra tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, Ban đã tham gia với các đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương theo dõi, giám sát giải quyết một số vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua và biện pháp khắc phục trong thời gian tới là gì thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Do phạm vi công tác nội chính theo Quy định số 183-QĐ/TW rất rộng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cấp, nhiều ngành, diễn ra đa dạng, phức tạp, nhưng hệ thống văn bản của Trung ương hướng dẫn cụ thể về công tác này còn chưa đầy đủ; một số nội dung còn có cách hiểu chưa thống nhất (như nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát, tham gia công tác cán bộ), nên việc triển khai ở địa phương còn hạn chế. Việc thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nội chính đến công tác tại Ban Nội chính Tỉnh ủy còn khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn trên, chúng tôi đã tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên của Ban Nội chính Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và tạo mọi điều kiện của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời, tranh thủ cả sự tín nhiệm, sự tin cậy của các cơ quan trong khối Nội chính nói riêng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban của Đảng, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành, thị ủy... trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và PCTN. Bên cạnh đó, tập thể cán bộ, công chức, nhân viên trong Ban đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần trách nhiệm để vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phóng viên: Xin đồng chí nêu một số thành tích đạt được của Ban và cán bộ, công chức của Ban trong thời gian qua?
Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Năm 2013, Ban có 02 đồng chí đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 03 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen, 03 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, 02 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác.
Năm 2014, Ban Nội chính được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác nội chính và PCTN; 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 03 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen, 03 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, 02 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.
Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho tập thể Ban, 01 phòng chuyên môn và 04 cá nhân do có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
PV Thu Hà (thực hiện)
;