Đồng Tháp: Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cải cách tư pháp

Thứ Năm, 18/02/2016, 11:03 [GMT+7]
    Năm 2015, công tác cải cách tư pháp được UBND tỉnh Đồng Tháp quan tâm chỉ đạo và quản lý chặt chẽ, thống nhất, đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương. Từ đó đã tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
    UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm các nhiệm vụ chính trị của ngành; chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các hoạt động bào chữa, công chứng, trợ giúp pháp lý và giám định tư pháp; phối hợp với Đoàn luật sư tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý luật sư và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 tổ chức hành nghề luật sư, với tổng số 46 luật sư và 04 Trung tâm tư vấn pháp luật với 02 luật sư làm việc theo chế độ hợp đồng và 14 tư vấn viên. Có 10 tổ chức hành nghề công chứng với 22 công chứng viên. Có 02 tổ chức giám định tư pháp là Trung tâm pháp y tỉnh và Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh với 70 giám định viên tư pháp. Trong năm 2015, các tổ chức giám định đã thực hiện 1.210 vụ. Nhìn chung, công tác bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, giám định tư pháp…) có sự chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đội ngũ Luật sư, Công chứng viên, Giám định viên có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng nâng lên.
 
Một Hội nghị về công tác cải cách tư pháp của tỉnh Đồng Tháp
Một Hội nghị về công tác cải cách tư pháp của tỉnh Đồng Tháp
    UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm các nhiệm vụ chính trị của ngành ngay từ đầu năm, đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
 
    Về tổ chức và hoạt động của các cơ quan cảnh sát điều tra, tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt tỷ lệ cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp với các ngành triển khai Kế hoạch liên tịch về phối hợp phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật, công tác thi hành án hình sự và đặc xá, công tác quản lý kho vật chứng; rà soát và giải quyết khiếu kiện về tư pháp; công tác hỗ trợ tư pháp; công tác bắt, giam giữ tiếp tục được thực hiện tốt.
 
    Năm 2016, Đồng Tháp tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác tư pháp; rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
 
    Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. 
 
    Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ luật sư khi tham gia tố tụng; đẩy mạnh thực hiện tốt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng và củng cố đội ngũ giám định viên tư pháp để phục vụ điều tra, xử lý các vụ án. Rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp; thực hiện chính sách thu hút những người có trình độ, đạo đức, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ làm việc tại các cơ quan tư pháp…
Như Nguyên
(VOV)
;
.