Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình: Tăng cường phối hợp trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 15/02/2016, 09:45 [GMT+7]
    Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình được tái lập, ra mắt sớm nhất trong toàn quốc (tháng 42013). Ngay từ ngày đầu thành lập, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tích cực kiện toàn tổ chức bộ máy gồm lãnh đạo Ban và 03 phòng với 21 cán bộ biên chế.
 
    Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai và xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác hằng năm; chủ trì, phối hợp tham mưu cho tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN; duy trì mối quan hệ giữa các huyện, thành ủy với các cơ quan Nội chính; giữa các cơ quan trong khối nội chính; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính; chủ trì hoặc phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và PCTN. 
 
    Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra chủ trương, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác nội chính và PCTN đạt hiệu quả.
    
Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình
Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Bằng khen của Ban Nội chính Trung ương cho Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình
    Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vừa ổn định tổ chức, vừa triển khai hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ công tác phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các huyện, thành ủy để tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và PCTN là nhiệm vụ đầu tiên. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh; Đảng ủy Công an tỉnh; Ban cán sự đảng Thanh tra tỉnh… trong công tác nội chính và PCTN; đồng thời, tổ chức Hội nghị triển khai Quy chế phối hợp tới thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố. Riêng đối với các ngành: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân và Thanh tra tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thống nhất các nội dung và quy định chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất như: Danh sách các vụ việc phức tạp đưa vào diện theo dõi, giám sát báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành 31 văn bản chỉ đạo về công tác nội chính và PCTN, như: Chỉ thị số 17CT/TU ngày 11-10-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN, lãng phí; Quyết định số 1753-QĐ/TU ngày 23-62014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Thanh tra tỉnh trong công tác nội chính và PCTN... Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tổng kết, sơ kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính và PCTN.
 
    Phối hợp với các cơ quan đề xuất với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương, xử lý một số vụ việc như: Vụ việc tại Công ty Gamigas; dự án nhà máy gạch Tuynel, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương. Theo dõi, giám sát quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn.
 
    Tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chủ trì giao ban công tác nội chính và PCTN theo quý, 6 tháng, 9 tháng, năm; thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; chủ trì tham mưu, đề xuất giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo về nội chính và PCTN.
 
    Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính và PCTN; tiêu biểu, như: Nghị quyết số 48NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015 tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị... Tham gia Đoàn thanh tra của tỉnh thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tại Công ty TNHH Gas Phú Hoàng An, Công ty cổ phần kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng Liên Quảng Thành, Công ty TNHH Vinh Tho; tham gia Đoàn thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các sở, ngành trong việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN...
 
    Phối hợp với các ban, ngành hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo rà soát, lập danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài để tập trung chỉ đạo giải quyết. Tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố kiện toàn Ban Tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân. Đồng thời, tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; tiếp nhận, phân loại, theo dõi, đôn đốc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Ban; đồng thời, chuyển đến các cấp, các ngành giải quyết theo thẩm quyền.
 
    Chủ trì phối hợp với các ban, ngành liên quan thẩm định báo cáo văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính và PCTN để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ký ban hành.
 
    Tham gia ý kiến cho 32 đồng chí bổ nhiệm chức danh tư pháp và chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.  Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Nội chính Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và PCTN, lãng phí, ngày 11-32014, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1168-CV/TU về việc thành lập Tổ giúp việc công tác nội chính và PCTN cấp huyện. Các huyện ủy, thành ủy đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Tổ giúp việc. Mỗi Tổ giúp việc có từ 06 đến 08 đồng chí là lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng cấp ủy cấp huyện, Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp. Tổ trưởng do đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra đảm nhiệm, đồng chí Phó Chánh Văn phòng cấp ủy làm Tổ phó.
 
    Tổ giúp việc cấp ủy huyện về công tác nội chính và PCTN thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác nội chính và PCTN; duy trì chế độ giao ban theo tháng, quý; thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác nội chính và PCTN; giúp Ban Thường vụ, Thường trực các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy cơ sở làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác nội chính, PCTN và việc giải quyết một số vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy cơ sở với các cơ quan trong khối nội chính.
 
    Để có đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính và PCTN bảo đảm tinh thông về nghiệp vụ, có bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, có phương pháp công tác, cách thức tổ chức thực hiện phù hợp, từ ngày tái lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho trên 200 cán bộ tổng hợp, tham mưu giúp việc công tác nội chính và PCTN của 08 huyện, thành ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và chuyên viên của Ban. Thông qua đó, chất lượng tham mưu và phương pháp tác nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính và PCTN các cấp được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
    Có thể nói, công tác nội chính và PCTN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể.
 Đoàn Hồng Kỳ  
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)
;
.