Ban Nội chính tỉnh ủy Kiên Giang: Kết quả và kinh nghiệm trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Sáu, 12/02/2016, 13:11 [GMT+7]
Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16-8-2013. Theo đó, tổ chức bộ máy gồm: Lãnh đạo Ban (có 03 đồng chí) và 03 phòng trực thuộc: Văn phòng; Phòng Theo dõi công tác PCTN; Phòng Theo dõi công tác các cơ quan nội chính. Đây là 14 cán bộ, công chức, nhân viên (chuyển từ Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN và Phòng Nội chính Tiếp dân Văn phòng Tỉnh ủy).
Từ khi thành lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
1. Một số kết quả hoạt động nổi bật năm 2015
- Công tác nghiên cứu, đề xuất
Ban đã chủ trì, phối hợp, tham mưu, đề xuất cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 21 văn bản về công tác nội chính và PCTN; 03 quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác nội chính và PCTN.
Chủ trì phối hợp với Công an, Viện kiểm sát và Tòa án tỉnh xem xét chọn 03 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và có liên quan đến cán bộ, đảng viên để đưa vào danh mục Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo (cả 03 vụ đều do Ban Nội chính Tỉnh ủy đề xuất) theo Tờ trình số 23-TTr/BNC ngày 04-6-2015 và được Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận. Đến nay, có 01 vụ án đã đưa ra xét xử và 02 đã hoàn tất cáo trạng, Tòa án đang xem xét.
Triển khai, tổ chức phổ biến tình hình có liên quan đến biển Đông, về hoạt động của các tổ chức phản động lưu vong để cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động có kế hoạch đối phó (Công văn số 167-CV/BNC ngày 6-01-2015 và Công văn số 186-CV/BNC ngày 6-3-2015 của Ban Nội chính).
Tham mưu Tỉnh ủy duy trì họp giao ban công tác nội chính và PCTN; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nội chính thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp nắm tình hình, chủ động giải quyết và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh (thông qua các văn bản báo cáo, chương trình chỉ đạo của Tỉnh ủy).
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang |
- Công tác hướng dẫn, kiểm tra
Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương mở 02 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và PCTN cho 218 cán bộ là bí thư, phó bí thư các huyện, thị, thành ủy; đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; thủ trưởng các sở, ban, ngành (đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh); giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp có vốn nhà nước; báo cáo viên cấp tỉnh và cán bộ tham mưu công tác nội chính, PCTN ở cấp tỉnh và huyện. Được sự hỗ trợ của Vụ Công tác phía Nam - Ban Nội chính Trung ương, Ban đã chủ động phối hợp với các Ban Nội chính Tỉnh ủy: Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác nội chính và PCTN. Tập trung vào 02 nội dung là: (1) Công tác kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính cấp tỉnh thời gian qua và những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm; (2) Thu thập thông tin trong việc thực hiện công tác PCTN và kinh nghiệm.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức hội nghị hướng dẫn các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập cho 157 đại biểu là lãnh đạo, thủ trưởng, bí thư và cán bộ phụ trách công tác tổ chức các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sở, ngành cấp tỉnh, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; giám đốc một số doanh nghiệp địa phương và Trung ương có vốn nhà nước chi phối trên địa bàn; lãnh đạo cấp ủy, ban tổ chức, thanh tra và cán bộ theo dõi công tác nội chính và PCTN của văn phòng các huyện, thị, thành ủy.
Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan chọn nội dung thực hiện công tác PCTN còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc làm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra như các cuộc kiểm tra: Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập đối với tất cả các chi, đảng bộ cơ sở, ngành, doanh nghiệp cấp tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27-7-2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01-112013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP .
Chủ trì tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện 01 cuộc kiểm tra, rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế xã hội từ năm 2011 đến năm 2014; 01 cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi vị trí cán bộ, công chức, viên chức; 01 cuộc tự kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN năm 2015 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Qua công tác theo dõi, nắm tình hình, tiếp nhận thông tin, đơn tố cáo, Ban Nội chính đã đưa 02 vụ việc vào diện cần theo dõi, đôn đốc. Qua theo dõi, làm việc, nắm tình hình từ các đơn vị có liên quan cho thấy về tính chất, mức độ của vụ việc không như nội dung phản ánh, đồng thời Ban Nội chính cũng đề nghị các đơn vị, tổ chức có liên quan tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý sai phạm (kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 01 cán bộ).
- Công tác khác
Với vai trò là Cụm trưởng Cụm giao ban số IV , Ban có văn bản đề nghị các thành viên trong Cụm xây dựng kế hoạch thi đua theo chuyên đề, theo Kế hoạch số 59-KH/BNCTW ngày 31-32015 của Ban Nội chính Trung ương phát động thi đua chuyên đề “phát hiện, tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án về nội chính và tham nhũng”. Đến nay, Ban đã phối hợp với Vụ VIII và Cụm phó họp bình xét thi đua chọn ra được 08 đơn vị đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Nội chính Đảng xét tặng Bằng khen.
Ngoài ra, Ban đã thực hiện tốt các nhiệm vụ tham gia với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ theo phân cấp; Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; Tổ chỉ đạo giải quyết khiếu kiện đông người của Tỉnh ủy; Tổ tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tổ công tác thường trực giải quyết khiếu kiện đông người của UBND tỉnh; thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và thực hiện chế độ báo cáo, công tác thi đua, xây dựng cơ quan.
2. Một số kinh nghiệm bước đầu
Một là: Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính cần nắm chắc tình hình tham nhũng, nhất là khiếu nại, tố cáo tham nhũng trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất; công tác hướng dẫn, kiểm tra của Ban.
Hai là: Thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa Ban với Đảng ủy Công an, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát, Ban cán sự đảng Tòa án, Thanh tra Tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong công tác PCTN. Định kỳ hoặc xét thấy cần thiết đánh giá việc thực hiện Quy chế để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ba là: Lãnh đạo Ban thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho cán bộ phụ trách theo dõi địa bàn được tiếp cận và có mối quan hệ tốt đơn vị cơ sở, cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc theo dõi địa bàn để nắm thông tin phục vụ công tác PCTN.
Bốn là: Cán bộ phải nắm vững nghiệp vụ, phân tích đánh giá được các thông tin, vụ án, vụ việc và các dấu hiệu có liên quan đến tham nhũng để tham mưu cho lãnh đạo Ban kịp thời và chính xác.
Nguyễn Hoàng Thông
(Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang)
;