Tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Tây Nguyên sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng

Thứ Năm, 21/01/2016, 10:02 [GMT+7]
    (BNCTW) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo”, số lượng các tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên không ngừng phát triển về tổ chức cũng như tín đồ. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Bà con giáo dân Công giáo, tín hữu Tin lành được tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại gia đình và tại các cơ sở thờ tự hợp pháp. Các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận luôn được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Các chức sắc được tự do truyền đạo theo quy định và được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển theo đúng điều lệ của tôn giáo, của pháp luật.
 
Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào theo đạo Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam tại Gia Lai
Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào theo đạo Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam tại Gia Lai
    Các cấp, các ngành đã thường xuyên chú trọng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng đào có đạo; đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp về công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo và giải quyết các nhu cầu tôn giáo bảo đảm đúng chính sách, pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tích cực vận động đồng bào có đạo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời đẹp đạo”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư… Xu hướng đối thoại hợp tác giữa các tôn giáo với chính quyền ngày càng được củng cố, tăng cường; việc sinh hoạt tôn giáo ngày càng đi vào nền nếp. Hoạt động truyền đạo trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chấn chỉnh, đưa sinh hoạt tôn giáo thuần tuý chính đáng ở một số buôn làng đi vào nền nếp, phù hợp với pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng tín đồ.
 
    Các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum hiện có trên 2 triệu tín đồ: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài… với gần 4.672 chức sắc. Người có đạo chiếm 38% dân số toàn vùng, trong đó, tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40%, tăng hàng chục lần so với trước năm 1975. Trong những năm qua, chính quyền đã tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo trong việc trùng tu, sửa chữa, xây dựng mới 1.239 cơ sở thờ tự khang trang. Riêng tại Đắk Lắk, đồng bào Công giáo từ chỗ chỉ có vài nhà thờ, nhà nguyện nay đã có 40 nhà thờ, 40 nhà nguyện của 40 giáo xứ, 40 giáo họ… Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tạo điều kiện cho trên 1.000 sinh viên học tập nâng cao trình độ theo Hiến chương, Điều lệ của tôn giáo tại các Viện Thánh kinh thần học, Đại chủng viện, Học viện Phật giáo và số lượng chức sắc, tu sỹ được đào tạo trong và ngoài nước không ngừng gia tăng qua các năm, trong đó có nhiều chức sắc, tu sỹ ra nước ngoài học tập theo các lớp thạc sỹ, tiến sỹ về tôn giáo, khi tốt nghiệp về phục vụ tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Ngoài ra, các địa phương cũng tạo điều kiện cho hàng trăm lượt chức sắc, nhà tu hành ra nước ngoài tham gia hoạt động đối ngoại tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo cùng hàng trăm đoàn khách, tổ chức tôn giáo nước ngoài đến Tây Nguyên làm việc.
 
    Hầu hết các tổ chức tôn giáo nói chung và Công giáo, Tin lành nói riêng trên địa bàn Tây Nguyên đều có báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử. Kinh, sách được dịch và in bằng các tiếng Ba-na, Ê-đê, Gia-rai tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
    Các tín đồ của các đạo giáo ở các tỉnh Tây Nguyên tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt từ ngày có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” được các vị chức sắc, các nhà tu hành hưởng ứng đã thúc đẩy phong trào thi đua phát triển lên một bước mới với nhiều kết quả thiết thực như đoàn kết, giúp đỡ, động viên nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống... Những kết quả này đã gắn kết phong trào thi đua yêu nước của người dân Tây Nguyên hoà chung trong phong trào thi đua của nhân dân cả nước.
 
    Bà con giáo dân Công giáo, tín hữu Tin lành ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sát cánh, đồng lòng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo theo đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”, cùng nhau đoàn kết góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng phát triển.
Cù Tất Dũng
;
.