Nghệ An: Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động
Thứ Sáu, 15/01/2016, 14:51 [GMT+7]
(BCNTW) - Hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Qua đó, trang bị cho người dân những kiến thức pháp lý cơ bản, thiết thực nhất để họ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật.
Nghệ An xác định hoạt động trợ giúp pháp lý là “cầu nối” giữa chính quyền địa phương với người dân trong việc giải quyết những băn khoăn, khúc mắc trong đời sống xã hội, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chế độ chính sách xã hội... Ngay từ đầu năm 2015, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các kế hoạch trợ giúp pháp lý. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, nhất là đội ngũ luật sư được tăng cường tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách tại các địa bàn khó khăn, phức tạp.
Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An trợ giúp pháp lý miễn phí tại xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu |
Hiện nay, đội ngũ cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý là 414 người, trong đó có 29 luật sư. Hình thức trợ giúp linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng với nội dung phong phú, ngắn gọn để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp nhận. Trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, đoàn công tác đã tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến nhân dân như: Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, pháp luật về thừa kế, di chúc; tặng, cho tài sản; chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số..., đồng thời tiếp nhận hàng trăm câu hỏi, đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của bà con nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức 160 cuộc trợ giúp pháp lý tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu đã tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 15.985 lượt người và trợ giúp pháp lý cá biệt cho 1.620 trường hợp.
Đội ngũ luật sư cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý đã tư vấn tại chỗ, hướng dẫn trình tự giải quyết các vụ việc và giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật cho bà con nhân dân. Qua đó tạo được sự tin cậy của người dân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý và được nhân dân đồng tình, ủng hộ; giúp hóa giải những mâu thuẫn không đáng có trong cộng đồng dân cư, củng cố niềm tin của người dân vào công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức, xây dựng được 33 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, với hơn 200 thành viên. Trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức sinh hoạt pháp luật theo chuyên đề với các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, đồng thời giải đáp vướng mắc liên quan đến pháp luật cho các cộng tác viên. Qua các buổi sinh hoạt đã nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ở cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện và có hình thức trợ giúp pháp lý thích hợp ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.
Hoạt động này được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và mong muốn Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Qua đó nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, hạn chế các vụ khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cù Tất Dũng
;