Quảng Trị: Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới"
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 03-CTHĐ/TU ngày 06-12-2010 về thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Tổ chức Hội nghị cốt cán toàn tỉnh để phổ biến, quán triệt, triển khai các văn bản trên đến các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, các huyện, thị, thành, đảng ủy trực thuộc Tỉnh uỷ. Tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thị, thành ủy, đảng bộ các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với những nội dung giải pháp cụ thể phù hợp thực hiện.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” tại Quảng Trị |
Trong 05 năm, lực lượng công an các cấp đã điều tra, làm rõ 1.869 vụ/ 3.317 đối tượng trong tổng số 2446 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt 76,4%), khởi tố 1.032vụ/ 2.356 bị can. Đấu tranh bắt giữ 157 vụ/ 252 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 3189,291g heroin; 6,694 kg và 46.377 viên ma túy tổng hợp; 105,189 kg cần sa khô; 6025,29 g ma túy đá cùng nhiều đồ vật, tài liệu, tài sản liên quan; khởi tố: 143 vụ/ 224 bị can. Tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ: phát hiện 1.679 vụ/ 1.917 đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm và lâm sản trái phép, với tổng giá trị hàng hóa thu giữ khoảng 22,825 tỷ đồng, đã khởi tố điều tra 52 vụ/ 72 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 916 vụ/ 1017 đối tượng, phạt tiền hơn 6,609 tỷ đồng. Phát hiện xử lý 400 vụ/449 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, phạt thu nộp ngân sách 2,886 tỷ đồng.
Lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập và khám phá thành công 54 chuyên án (trong đó, 40 chuyên án ma túy, 07 chuyên án thuốc nổ, 04 chuyên án buôn lậu, 01 chuyên án mua bán người, 01 chuyên án truy xét cướp giết, 01 chuyên án tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép) và 157 vụ án các loại, bắt giữ 307 đối tượng, giải cứu 02 nạn nhân trong đường dây mua bán người từ Nghệ An qua cửa khẩu Lao Bảo sang Lào. Khởi tố vụ án chuyển giao Công an Quảng Trị 27 vụ/ 42 đối tượng; hoàn chỉnh hồ sơ chuyển giao Công an tỉnh 07 vụ/ 11 đối tượng; chuyển giao Công an Lào 16 vụ/ 36 đối tượng; xử phạt hành chính 80 vụ/ 133 đối tượng.
Các cơ quan: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án phối hợp đưa ra truy tố, xét xử 1.616 vụ án hình sự với 2.854 bị cáo. Trong đó, tội phạm giết người: 28 vụ/ 59 bị cáo; tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp: 01 vụ/04 bị cáo; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác: 191 vụ/ 330 bị cáo; tội xâm hại trẻ em: 20 vụ/ 22 bị cáo; tội xâm phạm quyền sở hữu: 758 vụ/ 1208 bị cáo; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy: 146 vụ/ 249 bị cáo; tội sử dụng công nghệ cao: 03 vụ/ 04 bị cáo; tội chứa mại dâm: 10 vụ/ 15 bị cáo; tội môi giới mại dâm: 01 vụ/ 01 bị cáo; tội tham ô tài sản: 08 vụ/ 08 bị cáo; tội bắt giữ người trái pháp luật: 01 vụ/ 08 bị cáo.
Mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong khối nội chính được tăng cường, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Công tác bắt, tạm giữ, tạm giam đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đạt kết quả cao. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 vẫn bộc lộ một số hạn chế như: việc triển khai, quán triệt Chỉ thị, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động ở một số đơn vị, địa phương chưa có trọng tâm, chưa sát thực tế, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Công tác khen thưởng, động viên các điển hình tiên tiến, nhất là ở cơ sở, người trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm chưa kịp thời. Công tác nắm tình hình, phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân ở một số nơi còn chưa kịp thời; công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm; chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn nên một số địa phương có lúc xuất hiện tội phạm, tệ nạn xã hội phức tạp. Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, chưa tạo được phong trào sâu rộng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Hệ thống pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự thiếu đồng bộ; một số quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa được hướng dẫn, giải thích kịp thời, cụ thể; nhiều quy định không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho công tác xử lý tội phạm.
Việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm chưa được quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, các tập thể, cá nhân trên địa bàn.
Lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm như công an, hải quan, biên phòng còn mỏng.
Phan Công Bình
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị)