Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang: Tăng cường tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Năm, 24/12/2015, 12:12 [GMT+7]
(BNCTW) - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 277,5km. Dân số toàn tỉnh khoảng 800 nghìn người, địa bàn cư trú của 19 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 88,13%. Đặc biệt, Hà Giang là tỉnh có số lượng dân tộc Mông lớn nhất cả nước, với khoảng 248 ngàn người (chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh).
Do cư trú trên địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước sản xuất nên đời sống của đồng bào dân tộc ở Hà Giang gặp nhiều khó khăn; mặt bằng dân trí thấp, thiếu hiểu biết pháp luật. Đó là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, Hà Giang được xác định là địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh.
Trong vùng dân tộc tiềm ẩn phức tạp về hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”, hoạt động của đạo Tin lành vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 3 vụ/9 trường hợp hoạt động truyền đạo trái pháp luật, thu giữ 137 tài liệu, 10 đĩa DVD; đã xử lý hành chính, trục xuất 7 đối tượng ra khỏi địa bàn.
Đồng chí Sùng Minh Sính, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang |
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang chủ động phối hợp với các ban ngành, các lực lượng liên quan nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời tham mưu cấp ủy tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ổn định tình hình an ninh trong vùng đồng bào dân tộc; tham mưu giải quyết tin đồn gây hoang mang ở một số vùng đồng bào dân tộc Mông; mặt khác sự xuất hiện, du nhập một số đạo lạ từ bên ngoài vào địa bàn đã làm cho tập quán truyền thống của dân tộc, sinh hoạt tín ngưỡng bị biến dạng, gây chia rẽ, mất đoàn kết, kẻ địch lợi dụng lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá...
Để khắc phục bất cập, hạn chế, yếu kém, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo: Các cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, đảng viên.
Yêu cầu các cấp chính quyền tăng cường quản lý Nhà nước về tổ chức, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý đất và xây dựng các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo. Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân.
Hằng tháng, Ban Nội chính Tỉnh ủy thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình di cư tự do và tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ban ngành từ tỉnh đến huyện, xã quyết liệt vào cuộc. Điển hình, trong năm 2015, cơ quan chức năng đã tổ chức nắm tình hình, tham mưu giải quyết ngăn chặn 21 hộ/88 khẩu, dân tộc Mông có ý định bán tài sản, đất đai, ruộng nương để di cư tự do đi các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời tham mưu giải quyết tình trạng công dân Việt Nam, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động tự do.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2015 tại thành phố Đà Nẵng, đồng chí Sùng Minh Sính, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang nhận định: An ninh trong vùng dân tộc là vấn đề nhạy cảm. Ổn định tình hình trong vùng đồng bào dân tộc có tác động to lớn đối với ổn định tình hình an ninh chính trị nói chung trên địa bàn. Do đó, trong tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề dân tộc, tôn giáo, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang đã sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, đặc biệt là tư tưởng quần chúng nhân dân để kịp thời tham mưu, đề xuất phương hướng, biện pháp xử lý. Đồng chí cho rằng cần có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, không di cư tự do; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Coi trọng và phát huy vai trò, tranh thủ ảnh hưởng của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân địa phương đoàn kết, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở; tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tạo điều kiện, cơ hội cho con em dân tộc thiểu số được học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tạo nguồn cán bộ ổn định lâu dài ở địa phương.
Đặng Phước
;