Điện Biên: Chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thứ Ba, 24/11/2015, 10:19 [GMT+7]
    Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" đã được Tỉnh ủy Điện Biên triển khai chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện sát với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Trung ương và địa phương, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
 
    Việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW đã từng bước đề cao được trách nhiệm và sự chuyển biến khá đồng bộ của hệ thống chính trị đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại địa phương. Các cấp ủy Đảng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo công tác ban hành văn bản và tổ chức thi hành pháp luật. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật từng bước được nâng lên và có hiệu quả.
 
Đoàn khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về
Đoàn khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" của Bộ Chính trị làm việc tại Điện Biên
    Chất lượng công tác xây dựng văn bản ở các khâu từ dự thảo, góp ý, thẩm định, ban hành, kiểm tra, rà soát và các hoạt động hỗ trợ khác, nhiều mặt có chuyển biến tiến bộ, chất lượng nâng lên, hạn chế sai sót và vi phạm trình tự thủ tục ban hành văn bản. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác pháp luật được củng cố kiện toàn từng bước đạt yêu cầu nhiệm vụ, giải quyết được tình trạng thiếu hụt cán bộ pháp lý ở các cơ quan Nhà nước như những năm trước đây.
 
    Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh được tập trung đẩy mạnh; hoạt động xử lý vi phạm hành chính đã từng bước khắc phục những yếu kém. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý luôn được kiện toàn về tổ chức bộ máy, đảm bảo kinh phí hoạt động, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.
 
    Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, định kỳ hệ thống hóa lại các văn bản đã ban hành, để phát hiện những văn bản không còn phù hợp, từ đó bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu phát triển của địa phương. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của công chức, việc chấp hành pháp luật của các cá nhân và tổ chức  được triển khai thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, trật tự xã hội có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
                                                                                      Lê Hiếu
(VOV)
;
.