Quảng Nam: Rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2014
Thứ Năm, 24/09/2015, 11:03 [GMT+7]
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam về kết quả rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2014 cho thấy, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 38 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, trong đó: năm 2011 có 09 cuộc; năm 2012 có 09 cuộc; năm 2013 có 10 cuộc; năm 2014 có 10 cuộc. Thanh tra huyện (thành phố, thị xã) thực hiện 339 cuộc, trong đó: năm 2011 có 69 cuộc; năm 2012 có 102 cuộc; năm 2013 có 84 cuộc; năm 2014 có 84 cuộc. Thanh tra sở, ngành thực hiện 69 cuộc; trong đó: năm 2011 có 16 cuộc; năm 2012 có 22 cuộc; năm 2013 có 17 cuộc; năm 2014 có 14 cuộc.
Qua thanh tra, Thanh tra tỉnh phát hiện sai phạm về tiền 59.652,31 triệu đồng, về đất 26.942m2, sai phạm khác 14.191,22 triệu đồng; phát hiện 76 tập thể và 03 cá nhân có sai phạm; đã xử lý 76 tập thể và 03 cá nhân. Thanh tra huyện (thành phố, thị xã) phát hiện sai phạm về tiền 15.950,57 triệu đồng, về đất 2.101.444,94 m2, sai phạm khác 51.930,66 triệu đồng; phát hiện 176 tập thể và 248 cá nhân có sai phạm; đã xử lý 139 tập thể và 196 cá nhân. Thanh tra sở, ngành phát hiện sai phạm về tiền 6.177,06 triệu đồng, sai phạm khác 5.820,5 triệu đồng; 13 tập thể sai phạm; đã xử lý 13 tập thể. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 01 vụ/02 đối tượng.
Một Hội nghị giao ban của Thanh tra tỉnh Quảng Nam |
Các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội của ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam đều nằm trong Chương trình, kế hoạch công tác thanh tra hằng năm đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp phê duyệt; các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc trong công tác quản lý nhà nước, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh khuyết điểm, tồn tại của các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan thanh tra phát huy tốt vai trò, chức năng trong việc tham mưu Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp, đã kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra còn những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục như: một số cuộc thanh tra kéo dài so với thời gian quy định; còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc một số kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Công tác đôn đốc thu hồi sau thanh tra được triển khai thực hiện thường xuyên; tuy nhiên, số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra chưa được thu hồi vào ngân sách nhà nước còn tồn đọng khá lớn (37,65 tỷ đồng), trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân không thể thu hồi được. Việc xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra giữa Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đã được triển khai; nhưng thực tế vẫn còn tình trạng chồng chéo.
Thông qua công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Nam kiến nghị, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện phong tỏa tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22-9-2011 của Chính phủ. Tăng cường vai trò trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành Kết luận thanh tra trong việc chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra; xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm. Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27-3-2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra.
Minh Tâm
(TTCP)
;