Lai Châu: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị
Tỉnh ủy Lai Châu vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, 10 năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Các tổ chức đảng trực thuộc đã phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ chủ chốt bằng những hình thức. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 đã xác định 14 chương trình trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI, XII) đã ban hành 13 nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa và thực hiện các chương trình trọng điểm về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Trung ương, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 624 văn bản QPPL (hiện còn 311 văn bản còn hiệu lực thi hành); HĐND, UBND các huyện, thành phố ban hành nhiều văn bản QPPL và văn bản có nội dung QPPL, trong đó 582 văn bản, cấp xã 1.470 văn bản còn hiệu lực thi hành. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được chú trọng: cấp tỉnh đã kiểm tra, rà soát gần 30.000 văn bản các loại, trong đó có 707 văn bản QPPL, phát hiện 56 văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; cấp huyện, thành phố kiểm tra, rà soát 176.202 văn bản, trong đó có 1.813 văn bản QPPL, đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 79 văn bản, bãi bỏ 63 văn bản có nội dung không còn phù hợp.
Toàn cảnh Hội nghị |
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm: Tỉnh ủy đã ban hành 02 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn (tỉnh có 32 thành viên, huyện, thành phố có từ 20 đến 25 thành viên). Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên ở cơ sở được củng cố (cấp tỉnh 32 báo cáo viên, cấp huyện 377, 948 tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã). Tỉnh quan tâm bố trí 6.700 triệu đồng cho Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ (cấp tỉnh 2.293 triệu, cấp huyện 4.407 triệu). Công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật được quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 293 cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật (cấp tỉnh 99, cấp huyện 194). Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ở các cấp, các ngành trong tỉnh được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn đảm bảo, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 5.863 vụ án hình sự sơ thẩm; 8.816 bị cáo (trong đó xét xử lưu động 1.515 vụ); 338 vụ án phúc thẩm, 397 bị cáo; 11 vụ án hình sự giám đốc thẩm, tái thẩm, 16 bị cáo; 1.707 vụ, việc, án hôn nhân gia đình; 14 vụ án hành chính; 14 vụ án kinh tế, 02 vụ án lao động. Nhìn chung, chất lượng xét xử các loại án được nâng lên, không có án oan, bỏ lọt tội phạm, án để quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng.
Cũng tại Hội nghị, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã trình bày tham luận về công tác tổ chức thi hành pháp luật, công tác tăng cường năng lực và bảo đảm của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp trình bày tham luận về thực trạng công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận, đồng chí Giàng Páo Mỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 48-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, nhất là những quy định, chính sách mới. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định, nội dung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. Tăng cường cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đẩy mạnh thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền, trách nhiệm và phạm vi quản lý của địa phương, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm nhằm kiểm soát, đánh giá việc chấp hành, thi hành pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, xử lý, chấn chỉnh những vi phạm, sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện. Quan tâm củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức cơ quan tham mưu các cấp, chú trọng đối với các cơ quan tư pháp, cán bộ công chức làm công tác pháp luật, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; quan tâm đào tạo cán bộ công chức là người địa phương. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật các cấp của tỉnh ban hành nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, mâu thuẫn, chồng chéo của văn bản để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế; thực hiện nghiêm túc việc công khai văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.
Nguyễn Thị Phương Thảo
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Lai Châu)