Quảng Ninh: Tổng kết công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2015
Thứ Sáu, 21/08/2015, 11:22 [GMT+7]
Ngày 20-8, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách tư pháp (CCTP) giai đoạn 2011-2015. Các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương; Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong nhiệm kỳ 2011-2015, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCTP đạt nhiều kết quả. Tính đến nay, 14 huyện, thị xã, thành phố và các ngành tư pháp chủ chốt đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo CCTP, gắn kết tốt công tác CCTP với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, như đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường quản lý tài nguyên than; đặt công tác CCTP trong tổng thể của Đề án 25 về đổi mới hệ thống chính trị. Cấp ủy các cấp thường xuyên chỉ đạo, nắm bắt, kiểm tra, giám sát các mặt công tác liên quan lĩnh vực tư pháp. Các cơ quan tư pháp chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCTP theo chức năng nhiệm vụ có hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, bám sát chỉ đạo của cấp ủy, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã phục vụ tốt các yêu cầu chính trị của địa phương, nhất là trong đấu tranh lập lại trật tự khai thác, kinh doanh than; trấn áp tội phạm ở các địa bàn trọng yếu; giải quyết khiếu kiện hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, tránh oan, giảm sai…
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội, thành viên Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Giai đoạn 2011-2015, các cơ quan điều tra đã khởi tố khoảng 7.500 vụ án với 12.000 bị can, trong đó có những vụ rất lớn như Chuyên án 006N triệt phá đường dây mua bán hàng chục nghìn bánh Heroin, bắt hàng trăm đối tượng; tòa án thụ lý hơn 20.000 vụ án, vụ việc các loại...
Báo cáo cũng đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và định hướng những nội dung cần thực hiện trong công tác CCTP thời gian tới.
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội nghị tập trung vào các nội dung: nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo đúng pháp luật, không xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chống oan sai, lọt tội; chất lượng thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa và xây dựng đội ngũ ngành kiểm sát; nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng của đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu CCTP…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương ghi nhận và biểu dương những kết quả quan trọng trong công tác CCTP của Quảng Ninh.
Về nhiệm vụ CCTP trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác xây dựng các ngành tư pháp; tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến CCTP; tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật và pháp lệnh mới về tư pháp; quan tâm phát triển lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Đồng thời cần củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, trong đó cần có sự phân công phối hợp trong hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý của các cơ quan tư pháp; lựa chọn những người có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo các cơ quan.
Đồng chí mong muốn và tin tưởng, trong nhiệm kỳ tới công tác cải cách tư pháp của tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục có những bước chuyển biến mới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ CCTP của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thu Hương
;