Khánh Hòa: Giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giám định tư pháp

Chủ Nhật, 09/08/2015, 01:03 [GMT+7]
    Thực hiện Kế hoạch số 51/KH-HĐND ngày 04/5/2015, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành giám sát về tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh trong 03 năm từ năm 2012 đến 2014. Ban đã tiến hành giám sát tại các đơn vị: Công an tỉnh (Phòng kỹ thuật hình sự); Sở Y tế (Trung tâm Pháp y; Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần) và Sở Tư pháp. 
 
    Kết quả giám sát cho thấy, thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực giám định tư pháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, ban hành các văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp, Sở Y tế, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện việc giám định theo quy định của các Bộ chủ quản. Nhìn chung các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của các ngành chuyên môn về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh được ban hành kịp thời, đúng quy định.
 
Một kỳ hợp của Hội đồng nhân dân tỉnh
Một kỳ hợp của Hội đồng nhân dân tỉnh
    Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 03 tổ chức giám định tư pháp công lập đã được thành lập và hoạt động là: Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế; Trung tâm Pháp y tâm thần thuộc Sở Y tế. Tuy nhiên, theo Luật Giám định tư pháp, Trung tâm Pháp y tâm thần thuộc Sở Y tế chấm dứt hoạt động (kể từ ngày 01-7-2015 theo hướng dẫn tại Công văn số 1311/BYT-TCCB ngày 27-3-2015 của Bộ Y tế), việc giám định pháp y tâm thần sẽ do Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực đảm nhiệm. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập nào hoạt động.
 
    Thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 2236); UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Đề án 2236 chủ trì phối hợp với các Sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh bổ nhiệm Giám định viên, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tư pháp quyết định công bổ danh sách người giám định theo vụ việc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 95 giám định viên tư pháp và 02 người giám định theo vụ việc. Trong đó có 24 giám định viên tư pháp đang hoạt động tại 03 tổ chức giám định tư pháp (gồm 14 giám định viên thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, 03 giám định viên thuộc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, 07 giám định viên thuộc Trung tâm Pháp y) và 71 giám định viên độc lập làm việc trong các lĩnh vực kế toán - tài chính, thuế, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, khoa học - kỹ thuật, vãn hóa, thông tin - truyền thông v.v... Nhìn chung, số lượng giám định viên trên địa bàn tỉnh tăng đều trong những năm qua. Hầu hết giám định viên tư pháp đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, ít giám định viên làm việc theo chế độ chuyên trách (trong số 07 giám định viên của Trung tâm Pháp y tỉnh chỉ có 02 giám định viên chuyên trách). 
 
    Theo báo cáo của các đơn vị, trong 03 năm (từ 01-01-2012 đến hết ngày 31-12-2014) các tổ chức giám định trên địa bàn tỉnh đã tiến hành giám định 3.134 vụ việc. Qua giám sát và qua báo cáo, hầu hết các kết luận giám định đều dựa trên cơ sở khoa học chính xác, được tin tưởng và chấp nhận; là tiền đề phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ việc theo yêu cầu. Theo báo cáo của các đơn vị, thời gian qua hên địa bàn tỉnh chưa xảy ra việc khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến hoạt động giám định tư pháp.
 
    Nhìn chung, tình hình thực hiện Luật giám định tư pháp nói chung và Đề án 2236 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ năm 2012 đến 2014 đã đạt được kết quả. Tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác giám định, cơ sở vật chất của các tổ chức giám định tư pháp được quan tâm. Hoạt động giám định tư pháp có chuyển biến, công tác giám định đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
 
    Đội ngũ giám định viên tư pháp của tỉnh có chất lượng tương đối đồng đều, có trình độ, khả năng và kinh nghiệm, gắn bó với hoạt động giám định tư pháp. Quá trình hoạt động, các giám định viên đều tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng việc giám định, không để xảy ra tình trạng xung đột giám định, giám định lại, không có tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị xử lý.
 
    Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án 2236 chưa thực sự đồng bộ; chưa có quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan; sự phối hợp, hỗ trợ về mặt chuyên môn của các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, chưa thống nhất, chưa tận dụng được nguồn lực khoa học, cơ sở vật chất xã hội phục vụ cho công tác giám định tư pháp; nhiều vụ giám định còn kéo dài; giám định viên một số lĩnh vực còn thiếu (chứng khoán, ngân hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm; sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ...); thiếu giám định viên chuyên trách, thiếu thiết bị hỗ trợ giám định, một số thiết bị được trang bị nhưng thiếu hóa chất, nguyên liệu để vận hành... cũng ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả giám định.
 
    Các giám định viên tư pháp đa phần làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có đủ thời gian và điều kiện để thực hiện công tác giám định tư pháp khi có yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tố tụng.
 
    Công tác thanh tha, kiểm tra trong hoạt động giám định chưa được các đơn vị chú trọng…
Chu Linh
(TTXVN)
;
.