Hậu Giang: Tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân năm 2015
Thứ Hai, 24/08/2015, 10:02 [GMT+7]
01 năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh công tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đã tổ chức được 2.013 cuộc với 81.785 lượt người tham dự, 01 lớp tập huấn với 60 cán bộ, công chức tham dự, 10 câu lạc bộ với 144 người và 01 cuộc kiểm tra trách nhiệm đối với 15 xã, thị trấn trong tỉnh. Ngoài ra, thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã phổ biến, giáo dục pháp luật được 304 chuyên đề với thời lượng 4.560 phút, tổ chức hội thi, hội diễn 16 lượt, phóng thanh tuyên truyền 30 lượt, cổ động trực quan 500 băng rôn.
Ngay khi Luật tiếp công dân ra đời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân. UBND cấp huyện đã thành lập Ban Tiếp công dân và ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân như Ban tiếp công dân tỉnh, qua đó trách nhiệm và chất lượng tiếp công dân được nâng lên.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang tiếp công dân |
Thời gian qua, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai (chiếm trên 80%), còn lại là về chế độ chính sách, giáo dục, y tế, xử phạt vi phạm hành chính… Toàn tỉnh đã tiếp 3.270 lượt người, 11 đoàn đông người với 109 người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (đông người nhưng không gay gắt, không phức tạp). Đã tiếp nhận 1.609 đơn (khiếu nại: 1.573 đơn, tố cáo: 17 đơn, phản ánh, kiến nghị: 19 đơn). Đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền 387 đơn, phúc đáp Báo, Đài 09 đơn, hướng dẫn 108 đơn, lưu theo dõi 102 đơn. Có 1.003 đơn thuộc thẩm quyền (khiếu nại: 969 đơn, tố cáo: 15 đơn, phản ánh, kiến nghị: 19 đơn).
Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài; tăng cường tiếp, đối thoại với công dân nơi phát sinh nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Vận động, giải thích để giải quyết dứt điểm các vụ việc, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, tụ tập đông người.
Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2015, Lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức tiếp dân, đối thoại giải quyết khiếu nại 36 cuộc, đối thoại với 178 hộ dân (trong đó có 01 vụ 37 hộ dân) và họp xem xét 165 vụ khiếu nại. Qua đó, đã kết luận 271 vụ giao cơ quan chuyên môn dự thảo văn bản ban hành giải quyết theo quy định; tiếp tục xác minh bổ sung 36 vụ. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh luôn đảm bảo tiếp công dân theo yêu cầu trừ các trường hợp đã tiếp và có kết luận giải quyết.
Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các Kết luận thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp huyện. Qua đó, ghi nhận ý thức trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện đối với tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngày càng cao, đồng thời chỉ ra một số hạn chế để chấn chỉnh.
Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp dân định kỳ thứ tư hàng tuần; tổ chức đối thoại công dân theo Luật khiếu nại và tiếp công dân đột xuất khi có yêu cầu. 01 năm qua, Chủ tịch UBND cấp huyện đã tiếp 462 lượt với 512 người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh và thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân.
Ngày 06-11-2014, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1559/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh. Ban Tiếp công dân tỉnh là tổ chức trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, giúp Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp công dân theo quy định pháp luật. Ban Tiếp công dân tỉnh có con dấu riêng để phục vụ công tác tiếp công dân, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật, được sắp xếp tổ chức, bố trí công chức theo đúng tiêu chuẩn, chức danh Nhà nước quy định.
Ngày 17-11-2014, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Quyết định số 90/QĐ-VP.UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tiếp công dân tỉnh. Đến nay, Ban Tiếp công dân tỉnh đang hoạt động tại Khu hành chính UBND tỉnh, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tương đối đầy đủ, hiện đang từng bước hoàn thiện và niêm yết các thủ tục theo đúng quy định.
Về cơ cấu tổ chức, Ban Tiếp công dân có 01 Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban và 03 chuyên viên thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; đang tham mưu Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh bổ sung biên chế nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ban Tiếp công dân bố trí công chức thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với công chức làm công tác tiếp công dân theo đúng quy định.
UBND cấp huyện đều thành lập Ban Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Nhưng có quy định tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ tư hàng tuần do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) tiếp công dân.
Khi tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, công tác phối hợp giữa Ban Tiếp công dân với Hội đồng Nhân dân, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND trong công tác tiếp công dân được thuận lợi hơn; khi nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị mà liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau thì có điều kiện để trao đổi giải thích, hướng dẫn và xử lý đơn thư tại Trụ sở tiếp công dân mà không phải hướng dẫn, chuyển đi lòng vòng.
UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân; bố trí địa điểm tiếp công dân, phân công cán bộ tiếp công dân theo đúng quy định. Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện việc tiếp công dân hàng tuần theo quy định ít nhất 01 ngày/tuần. Ngoài ra còn tiếp công dân thường xuyên hàng ngày (hoặc đột xuất) theo lịch của lãnh đạo UBND cấp xã.
Nguyễn Tâm
(Thanh tra Chính phủ)
;