Sơn La: Quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tiếp công dân
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tiếp công dân.
Hành vi vi phạm bị xử lý gồm vi phạm thời hạn giao việc, thời hạn giải quyết trong khiếu nại, tố cáo, cụ thể: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân hoặc văn bản chuyển khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cấp có thẩm quyền; người đứng đầu bộ phận trong cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận với bộ phận văn thư hoặc ngày nhận đơn trong sổ theo dõi, không giao nhiệm vụ hoặc chuyển cho phòng chuyên môn (hoặc bộ phận) để tham mưu giải quyết. Lãnh đạo Phòng chuyên môn (hoặc bộ phận) thuộc cơ quan, đơn vị các cấp, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận, không phân công nhiệm vụ cho công chức, viên chức để tham mưu giải quyết.
Giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La |
Bên cạnh đó là hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 8, 9 Điều 6 Luật Khiếu nại; Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 13, 14 Điều 8 Luật Tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm so với thời hạn quy định. Vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 8 Điều 6 Luật Tiếp công dân. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân trong các trường hợp đột xuất theo quy định hoặc ủy quyền cho bộ phận chuyên môn hoặc người không đủ thẩm quyền để tiếp công dân.
Cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tiếp công dân theo quy định của pháp luật nếu vi phạm thời hạn giao việc, thời hạn giải quyết trong khiếu nại, tố cáo; người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân trong các trường hợp đột xuất theo quy định hoặc ủy quyền cho bộ phận chuyên môn hoặc người không đủ thẩm quyền để tiếp công dân thì bị tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như sau: Vi phạm lần đầu trong năm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có văn bản nhắc nhở, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị. Trường hợp người đứng đầu vi phạm, người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp có văn bản nhắc nhở, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị. Vi phạm lần thứ 2 trong năm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị và không xem xét bình chọn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hàng năm. Trường hợp người đứng đầu vi phạm, người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp tổ chức kiểm điểm, phê bình. Vi phạm lần thứ 3 trở lên trong năm, tùy theo tính chất mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06-4-2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định mà không xử lý vi phạm hoặc không báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp để xử lý vi phạm. Khi phát hiện, người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu phụ trách lĩnh vực công tác có trường hợp vi phạm sẽ bị cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp kiểm điểm, phê bình trước tập thể cơ quan, đơn vị đó và không xem xét bình chọn các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hàng năm hoặc bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06-4-2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
Chu Linh
(TTXVN)