Đắk Lắk: Chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015

Thứ Bảy, 25/07/2015, 07:40 [GMT+7]

Triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch CCHC giai đoạn 2012-2015 và các Kế hoạch hàng năm về CCHC, thường xuyên kiểm tra và tăng cường tuyên truyền cải cách hành chính.

Hàng năm, trên 70% Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch CCHC để triển khai 6 nhiệm vụ về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xâydựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, hiện đai hóa hành chính.

Từ năm 2011 đến 2014, tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch CCHC hàng năm, quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra CCHC. Trong 5 năm, UBND tỉnh đã kiểm tra công tác CCHC đối với 74 lượt cơ quan hành chính, kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính đối với 13 cơ quan hành chính nhà nước, tập trung tại các cơ quan, đơn vị có nhiều giao dịch hành chính liên quan trực tiếp đến công dân, doanh nghiệp như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Buôn Ma Thuột. Tỉnh ủy cũng tiến hành giám sát thực hiện Chương trình số 18-CTr/TU ngày 29-10-2007 của Tỉnh ủy (khoá XIV) về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đối với 02 Giám đốc Sở; Hội đồng Nhân dân tỉnh thực hiện giám sát cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực y tế, xây dựng và giám sát cải cách thủ tục hành chính tại 01 xã và 06 phòng chuyên môn thuộc UBND thị xã Buôn Hồ...

Niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại Sở Tài chính
Niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại Sở Tài chính

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát CCHC trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng các hình thức kiểm tra theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất. Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng thanh tra, kiểm tra CCHC như Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin, huyện Ea Kar...

Công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC tiếp tục được coi trọng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức 8 đợt truyền thông, thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính tại vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu thông tin; tổ chức cuộc thi viêt tìm hiểu nội dung chương trình cải cách hành chính cho hơn 22.000 cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức cuộc thi tuyên truyền lưu động chung tay cải cách hành chính bằng hình thức sân khấu hóa cho 19 đội tuyên truyền lưu động với 200 tuyên truyền viên; tổ chức diễn đàn chuyên mục về “Đối thoại chính sách và cải cách hành chính”, “Nói và làm” định kỳ vào thứ bảy, tuần thứ 4 hàng tháng phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk (DRT); tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động, ca khúc tuyên truyền cải cách hành chính, thu hút 32 nhạc sĩ, họa sĩ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia với 70 tác phẩm (57 tranh cổ động, 13 ca khúc); in và phát hành 1000 cuốn “Sổ tay - Kinh nghiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khai và theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính”.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã liên kết với Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đáp ứng nhu cầu của công dân, tổ chức trong việc tìm hiểu thủ tục hành chính, thông tin hoạt động và hướng dẫn nghiệp vụ ngành, lĩnh vực. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động phối họp với Ban Tuyên giáo các cấp, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan thông tin đại chúng phát triển phong phú các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho công dân và doanh nghiệp thông qua hội nghị đối thoại doanh nghiệp, xây dựng ki-ốt thông tin, tham vấn ý kiến người dân; thường xuyên đưa tin, bài viết về cải cách hành chính trên Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và truyền hình; niêm yết thành phần hồ sơ, quy trình, thời gian, công khai các khoản phí, lệ phí phải nộp để giải quyết các thủ tục hành chính... Định kỳ hàng quý, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã tổ chức đối thoại với người dân, hội nghị gặp gỡ, tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhìn chung, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị Nhà nước và công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao đáng kể; cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện CCHC gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Nền hành chính cơ bản đã đảm bảo các quy định về công khai, minh bạch từng bước chuyển sang nền hành chính phục vụ nhân dân; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện. Hệ thống hành chính được hiện đại hóa rõ rệt. Nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước đã tác động mạnh mẽ đên hoạt động của các doanh nghiệp và nhân dân, tạo đà phát triển ứng dụng CNTT trên địa bàn. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, áp dụng một cửa điện tử góp phần chuẩn hoá các quy trình hành chính, cải tiến được phương pháp làm việc, đảm bảo tính minh bạch trong xử lý công việc trên cơ sở chú trọng sự giám sát của nhân dân trong quá trình giải quyết công việc.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị để không còn sự chồng chéo, bỏ trống hoạc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan hành chính nhà nước; hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước được xác định theo hướng có tỷ lệ giảm qua mỗi năm mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80% vào năm 2020. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 70%. Đến năm 2020, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan han chính nhà nước đạt mức trên 80%.Đến năm 2020, 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trang thông tin điện tử với đầy đủ thông tin theo quy định, 100% số trang thông tịn điện tử có cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 và 50% số trang thông tin điện tử có cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 (4 cấp độ của mô hình Chính phủ điện tử: Hiện diện, tương tác, giao dịch, tích hợp). Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh kết nối với Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và hoàn thành việc kết nối với Cổng thông tin điện tử Chính phủ; hình thành đầy đủ mạng thông tin điện tử hành chính của tỉnh trên Internet…

Chu Linh

(TTXVN)

;
.