Bình Định: Tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định vừa ban hành Kế hoạch (số 81-KH/TU) thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh kịp thời phổ biến, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, khắc phục kịp thời những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và Luật Tiếp công dân.
Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý đầu tư, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi…để nhân dân hiểu rõ, đồng thuận, hạn chế phát sinh khiếu kiện. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, hạn chế phát sinh các vụ, việc khiếu nại, tố cáo, vượt cấp, đông người; tự kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo, tồn đọng, kéo dài thuộc thẩm quyền.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong địa bàn, lĩnh vực phân công phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Tổ chức đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục để công dân giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của người dân. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, đông người, phức tạp, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức phải trực tiếp chỉ đạo, xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý và thực tiễn, tổ chức đối thoại công khai với người khiếu kiện, giải quyết các khiếu nại, tố cáo thấu tình, đạt lý. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và các tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để cố ý vi phạm pháp luật.
Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, tòa án, công an trong tỉnh đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài đúng thẩm quyền; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng.
Đẩy mạnh hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội trên địa bàn tỉnh trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng đi sâu giám sát đối với một số lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như: Quản lý, sử dụng đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, thực hiện chính sách xã hội, các hoạt động tư pháp, giám sát trách nhiệm giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng; tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội các cấp cần làm tốt vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, kiến nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi có tranh chấp. Giải thích, vận động, thuyết phục công dân chấp hành đúng các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh và Ban Tiếp công dân cấp huyện, để tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bố trí trụ sở, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân, bảo đảm thuận lợi cho công dân và cán bộ, công chức tiếp công dân.
Các cơ quan báo, đài của tỉnh tăng thời lượng phát sóng, số lượng, chất lượng các tin, bài, chuyên mục tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, biểu dương những điển hình tốt, phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan thông tin đại chúng cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan; khi có sai sót phải kịp thời cải chính, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch.
Lê Văn Lâm
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định)