Thành phố Đà Nẵng: Nâng cao giám sát và phản biện xã hội
Ngày 25-4, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã thông qua những nội dung quan trọng của Quyết định số 217 và 218. Theo đó, mục đích của giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện phổ biến nhân tốt mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh.
Các đại biểu dự Hội nghị |
Đối tượng giám sát là các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử; công chức, viên chức nhà nước. Nội dung giám sát là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Hội nghị cũng đã triển khai nội dung Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, điều chỉnh một số nội dung về quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị như: Giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an, Quân đội và ngành Kiểm sát như hiện nay và sắp xếp tinh gọn từng đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ; xác định rõ hoạt động điều tra, tố tụng hình sự và hoạt động trinh sát…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội. Do đó, các cấp ủy đảng bám sát Kế hoạch số 34-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; việc tổ chức quán triệt phải bảo đảm yêu cầu nắm, hiểu rõ mục đích, nguyên tắc, đối tượng, phương pháp và nội dung của các quyết định. Thông qua đó, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thực thi những nhiệm vụ đã nêu trong các quyết định của Bộ Chính trị.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên trong các cơ quan tư pháp thành phố phải thống nhất nhận thức, nắm vững những nội dung cơ bản Về thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, và kết quả sau 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Vũ Tiến Dũng