Hậu Giang: Triển khai đồng bộ các Chương trình, Kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thứ Tư, 08/01/2014, 10:37 [GMT+7]
Năm 2013, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại tỉnh Hậu Giang tiếp tục được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân quan tâm thực hiện. Các Chương trình, Kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do UBND tỉnh Hậu Giang ban hành được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt kết quả cụ thể, với tổng số tiền tiết kiệm là 79,144 tỷ đồng, tăng hơn so cùng kỳ 21,926 tỷ đồng.
Cụ thể, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện cơ chế giao khoán kinh phí ngân sách cho các đơn vị hành chính sự nghiệp theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Công tác thẩm định giao dự toán, quyết toán ngân sách; thẩm định mua, sắm, sửa chữa tài sản; thẩm định phương án bồi hoàn giải phóng mặt bằng... đã tiết kiệm trong lĩnh vực sử dụng ngân sách số tiền 26,071 tỷ đồng, chiếm 32,94% tổng số tiền tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực.
Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang |
Các địa phương và Chủ đầu tư đã triển khai, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước vốn trái phiếu Chính phủ và Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương. Tổ chức rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013; bố trí hoàn trả vốn đã được ngân sách ứng trước. Hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đầu tư xây dựng đã tiết kiệm 26,304 tỷ đồng, chiếm 33,24% trong tổng số tiền tiết kiệm ở tất cả các lĩnh vực.
Ngày 09/01/2013, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) tỉnh Hậu Giang tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có chủ trương phân bố chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) cho UBND huyện, thị xã, thành phố, tạo cơ sở thực hiện công tác lập, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, cấp xã nhằm đảm bảo việc khai thác, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn; tăng cường thực hiện hình thức đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất để tiết kiệm, tăng thu cho ngân sách; tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất, khuyến khích đầu tư phát triển vào những lĩnh vực thế mạnh theo nguyên tắc tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ tài nguyên đất và môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất được tiến hành thường xuyên, nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; đồng thời, cương quyết thu hồi các dự án đã giao đất nhưng không triển khai thực hiện theo đúng thời gian quy định.
Các doanh nghiệp Nhà nước đã tăng cường các biện pháp quản lý doanh thu, chi phí; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật, để giảm chi phí và giá thành, tăng lợi nhuận chuyển đổi mô hình ngành nghề sản xuất kinh doanh, tiết kiệm mọi nguồn lực. Các sở, ban ngành đã tham mưu UBND tỉnh có các biện pháp tăng cường giám sát đối với công ty Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực được Nhà nước giao; giám sát việc thực hiện trách nhiệm của đại diện Chủ sở hữu tại công ty Nhà nước trong việc quyết định đầu tư, bảo lãnh vay, phê duyệt chủ trương mua, bán, vay, cho vay, thuê và cho thuê theo thẩm quyền đã được quy định tại Nghị định số 132/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Từ tháng 8/2012 đến hết tháng 7/2013 các doanh nghiệp Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện tiết kiệm trong chi phí sản xuất, giá thành sản xuất kinh doanh; riêng lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng đã chỉ đạo dự án giãn tiến độ nên tiết kiệm so với kế hoạch 25,837 tỷ đồng.
Hoài Thu
;