Hòa Bình: Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2013

Thứ Ba, 24/12/2013, 15:08 [GMT+7]
Năm 2013, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thực sự đi vào nền nếp và có chiều sâu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2013-2017”; Kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ tị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết  số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc phê bình và tự phê bình, bám sát cơ sở, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hoạt động kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh được triển khai kịp thời, hiệu quả; đã ban hành Nghị quyết về chương trình kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh năm 2013, Công văn về việc tiếp tục lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức 13 Hội nghị tiếp xúc với trên 2000 cử tri trước và sau kỳ họp. Đoàn đại biểu HĐND tỉnh tổ chức 33 Hội nghị với gần 3000 cử tri tham dự. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Hòa Bình đã gắn nhiệm vụ cải cách hành chính với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 có nội dung tập trung chỉ đạo tiếp tục cải cách hành chính, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan. Ban hành Chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ này trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là chấn chỉnh, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”…
Công tác tiếp công dân từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm. Các cơ quan thanh tra tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiếp công dân, bố trí cán bộ thường trực tiếp công dân tại đơn vị và tham gia tiếp công dân định kỳ hàng tháng với Thủ trưởng cùng cấp theo quy định. Đến hết tháng 11-2013, cơ quan thanh tra các cấp đã tổ chức tiếp 1.015 lượt người đến trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh. Tiếp nhận, phân loại và xử lý 855 lượt đơn, thư các loại. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, giá bồi thường tài sản trên đất bị thu hồi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Nội dung tố cáo tập trung vào việc tố cáo cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vụ lợi trong việc giao đất, bồi thường; tố cáo các sai phạm trong quản lý, thu chi tài chính…
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò của mình trong việc giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, động viên nhân dân chấp hành các quy ước, hương ước; gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân những nội dung cơ bản của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được tăng cường. Nội dung, phương thức được đổi mới theo phương châm hướng về cơ sở, “Gần dân, hiểu dân, học dân”, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thành viên các ban Mặt trận ở khu dân cư tích cực nắm bắt và tham gia tốt công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân; tạo dư luận lên án những hành vi sai trái, tham nhũng, mất dân chủ hoặc lợi dụng dân chủ dẫn đến quá khích, vi phạm quy ước khu dân cư…
Hoàng Yến
 
;
.