Quy đinh trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ
Vừa qua, tại thành phố Hải Phòng, Viện Khoa học thanh tra đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thông tư gồm 3 chương, 17 điều, hướng dẫn một số quy định về đối tượng áp dụng, nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết; trường hợp nhiều người yêu cầu giải trình về cùng một nội dung; việc thu thập xác minh và tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu; việc công khai văn bản giải trình; lập, quản lý hồ sơ giải trình và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình.
Theo Dự thảo, các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình.
Quang cảnh Hội thảo |
Trong trình tự thủ tục giải trình, đối với trường hợp nhiều người (tức 5 người trở lên) yêu cầu giải trình cùng một nội dung thì cơ quan đại diện có quyền hướng dẫn cử đại diện để trình bày nội dung yêu cầu. Việc cử đại diện sẽ được thực hiện như sau, 5 đến 10 người yêu cầu giải trình thì cử 1 hoăc 2 người đại diện; trường hợp có 10 người yêu cầu giải trình trở lên thì có thể cử thêm đại diện nhưng không quá 5 người.
Dự thảo quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 5 của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP và bảo đảm các điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình tại Điều 6 của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP, người giải trình phải tiếp nhận và thực hiện giải trình.
Đối với việc thanh, kiểm tra, cơ quan Nhà nước cấp trên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp dưới. Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: việc cần thiết phải sớm xây dựng Dự thảo Thông tư lần này đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời gian tới. Đồng thời, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung như đối tượng áp dụng, quy định cụ thể số người đại diện trong trường hợp nhiều người cùng yêu cầu giải trình một nội dung, văn bản cử người đại diện, 7 mẫu văn bản kèm theo Thông tư, công khai văn bản giải trình …
Hồng Hạnh
(Đài PT - TH Hải Phòng)