Thành phố Hồ Chí Minh góp ý dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)
Chiều 7-10, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Các ý kiến tại hội nghị quan tâm nhiều đến những vấn đề như: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tài nguyên biển, trong lương thực, thực phẩm; cho rằng, một số nội dung của dự thảo Luật trùng lặp, hoặc không cần thiết vì đã có Luật khác quy định.
Nhằm tăng cường tính giám sát của luật, các đại biểu cho rằng cần phải quy định cụ thể việc trả lời bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có vi phạm lãng phí. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh): Trong khoản 2, điều 7, ngoài việc trả lời bằng văn bản cho người phát hiện lãng phí, cần bổ sung thêm việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức trả lời cho cơ quan thông tin, báo chí đã đưa tin về các hành vi lãng phí xảy ra trong cơ quan, tổ chức của mình. Ngoài ra, cần phải quy định thời hạn cụ thể việc trả lời cho người phát hiện và cơ quan thông tin, báo chí. Vì nếu luật không quy định cụ thể về thời hạn dễ dẫn đến khả năng người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãng quên hoặc cố tình quên.
Cùng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Triều Lưu (Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh), luật nên quy định rõ việc tổ chức, cá nhân có quyền giám sát việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hình thức tố cáo, khiếu nại, phản ánh trực tiếp đến người, cơ quan có thẩm quyền, hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiều đại biểu có ý kiến, Luật cần đi nhiều vào vấn đề cụ thể để ngăn chặn tình trạng lãng phí hiện nay. Ông Nguyễn Tất Năm (Sở Lao động – Thương binh – Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, hiện nay vấn đề an ninh lương thực đang rất bức xúc, vì vậy cần phải bổ sung vấn đề bảo đảm lương thực trong luật, tránh tình trạng lãng phí về lương thực, thực phẩm. Cũng đề cập đến về vấn đề này, ông Nguyễn Triều Lưu (Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, "cần cân nhắc để đưa ra quy phạm về việc lãng phí do dư thừa trong thực phẩm, tiêu dùng".
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, bỏ một số điểm trong dự thảo luật, tránh gây chồng chéo với luật khác. Ông Nguyễn Tất Năm cũng đề nghị bổ sung thêm vào Luật về tài nguyên biển. Theo ông Năm: “Dự thảo đã không đề cập đến tài nguyên này, trong khi có nói đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng là không kịp thời và đầy đủ. Nhiều đại biểu đề nghị bỏ điều 79, quy định “Người có hành vi vi phạm quy định của Luật này nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Sở dĩ như vậy vì điều 79 có ý trùng với một số điểm trong điều 76 và điều 78.
(Theo TTXVN)