Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk lấy ý kiến về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Thứ Tư, 16/10/2013, 16:25 [GMT+7]

Ngày 14-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo các dự án Luật: Luật đất đai (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi) và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Ông Phạm Minh Tấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ý kiến của một số đại biểu cho rằng tại một số điểm, khoản trong dự thảo không rõ ràng, trùng lắp hoặc không phù hợp với Luật Xây dựng hiện hành nên không cần thiết phải đưa vào hoặc cần thiết phải sửa đổi.
Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng: Tại Khoản 2, Điều 53, Chương V quy định: “Đối với các dự án sử dụng đất tại các đảo và các xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan”, tuy nhiên ở đây lại không nói rõ là bộ nào, ngành nào.

Tại Khoản 2, Điều 77 quy định: “Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1-7-2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nhưng không có giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng…”. Quy định như vậy không khéo sẽ tạo điểu kiện để người dân lấn chiếm đất…

Góp ý vào dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi), đa số các ý kiến đều tán thành và đánh giá cao việc đưa vào luật nội dung đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế, bởi như vậy chắc chắn sẽ “kéo” được giá thuốc giảm xuống, đồng thời tạo điều kiện để các sản phẩm thuốc của Việt Nam có thể tiếp cận được  với các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tại Điều 51 quy định về mua thuốc tập trung cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Ngoài ra, cũng không cần thiết phải đưa vào luật nội dung quy định thanh toán chi phí mua thuốc cho các cơ sở y tế ngoài công lập (Điều 52), vì sẽ dễ tạo kẽ hở tiêu cực cho các cơ sở này.
Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật này nữa chính là quy định về Tổ chức đầu thầu chuyên nghiệp (Điều 32). Nội dung này sẽ là cơ sở pháp lý để hạn chế thực trạng “thông thầu” phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương.

Đối với dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), một số đại biểu góp ý cho rằng luật cần đưa vào thêm nội dung về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác tiết kiệm. Tại Điều 16 quy định về “hành vi vi phạm trong ban hành, thực hiện và kiểm tra định mức, tiêu chuẩn, chế độ”, ở Khoản 2 chỉ mới quy định “bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…” mà không đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thấp hơn…

Ngoài ra, tại các Điều 21, 22 và 23 quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện “nhiệm vụ khoa học và công nghệ”, “nhiệm vụ giáo dục và đào tạo”, “nhiệm vụ y tế”, có ý kiến cho rằng còn nhiều lĩnh vực khác cũng cần phải được quy định trong luật. Do đó cần phải gom các lĩnh vực ngành và đưa về ở mục quy định chung thì hợp lý hơn…

                                                                                           Thùy Linh

;
.