Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP ngày 01-12-2010 ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư

Thứ Tư, 11/09/2013, 14:04 [GMT+7]

Ngày 10-9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP ngày 01-12-2010 ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư.

Thi hành Luật luật sư năm 2006, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quy chế tập sự hành nghề luật sư kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BTP ngày 01-12-2010. Qua 2 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thông tư này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập ảnh hướng tới chất lượng tập sự hành nghề luật sư. Vì vậy, để bảo đảm các quy định về tập sự hành nghề luật sư phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư (Luật luật sư 2012), đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai thi hành Thông tư 21, thì việc xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 21 là cần thiết. Theo đó, Dự thảo Thông tư gồm 5 chương với 41 điều quy định về việc tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, giám sát, xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Nhằm nâng cao chất lượng luật sư, từng bước bảo đảm mặt bằng chung, cân đối chương trình đào tạo với các chức danh tư pháp, thời gian tập sự hành nghề luật sư đã được nâng lên 12 tháng thay vì 6 tháng như trước đây. Tuy nhiên, tại cuộc Tọa đàm, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn sau khi Thông tư này có hiệu lực thì thời gian tập sự của những người tập sự hành nghề luật sư được đào tạo 6 tháng theo Luật luật sư năm 2006 sẽ được tính như thế nào?.

Về điều kiện đối với luật sư hướng dẫn, có ý kiến cho rằng việc quy định điều kiện “có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, có uy tín và trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình hướng dẫn” còn định tính, không định lượng được thế nào là “đủ năng lực, trình độ, uy tín...” bởi “không thể so sánh một tiến sĩ luật với một cử nhân luật mới tốt nghiệp vài năm khi hướng dẫn”. Trong khi đó, quy định việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được tổ chức theo khu vực ít nhất 6 tháng một lần tại Điều 22 Dự thảo, cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được tập sự bởi nhiều trường hợp người tập sự đã hết hạn tập sự nhưng vẫn phải chờ đến mấy tháng sau mới được tham gia dự kiểm tra kết quả.

Ý kiến khác cũng phản ánh có những trường hợp tập sự đã được gần 12 tháng, thiếu ít ngày nên không đủ điều kiện tham gia kiểm tra, nếu tiếp tục muốn tham dự phải chờ đến 6 tháng sau, như vậy vô hình chung thời gian tập sự lại như trước đây là 18 tháng.

Ở một khía cạnh khác, quyền lợi của người tập sự vẫn còn bị hạn chế khi “không được ký văn bản tư vấn pháp luật và các văn bản khác” theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Dự thảo. Theo các luật sư, nên quy định cho người tập sự hành nghề luật sư được tham gia trực tiếp vào quá trình tố tụng cũng như được ký văn bản tư vấn pháp luật để đề cao trách nhiệm và rèn luyện kỹ năng cho đối tượng này trong quá trình hành nghề cũng như hạn chế tình trạng người không tư vấn pháp luật, không hiểu rõ về nội dung tư vấn nhưng vẫn ký vào văn bản này. Vì vậy, các luật sư cho rằng cần có quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện, thời gian... tập sự theo hướng tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề luật sư.

T.H

;
.