Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng chính quyền đô thị - yêu cầu từ thực tiễn

Thứ Hai, 09/09/2013, 16:31 [GMT+7]

Ngày 8-9-2013, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao đổi về chủ đề “Xây dựng chính quyền đô thị - Yêu cầu từ thực tiễn”, với sư tham gia của lãnh đạo HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành liên quan và đại diện cử tri thành phố.

Tại cuộc trao đổi, cử tri thành phố đã nghe ngành chức năng trình bày về cơ sở lý luận, thực tiễn, sự cần thiết phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và những ưu điểm của mô hình này. Chương trình tập trung vào 3 vấn đề chính: Sự cần thiết thực hiện thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh; Định hướng và nội dung chủ yếu của mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh; Những lợi ích mà người dân được hưởng từ mô hình chính quyền đô thị. Đây là những vấn đề quan trọng, sẽ góp phần triển khai thành công mô hình chính quyền đô thị tại thành phố.

Tiêu chí phục vụ dân, thỏa mãn người dân là tiêu chí lớn nhất để đánh giá chất lượng bộ máy chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh
Tiêu chí phục vụ dân, thỏa mãn người dân là tiêu chí lớn nhất để đánh giá chất lượng bộ máy chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh

Năm 2007, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án “Thí điểm mô hình Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh” và thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận - huyện và phường từ năm 2009. Hiện nay, đề án này đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cấp, các ngành trước khi trình Chính phủ.

Thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận và 5 huyện, dân số gần 10 triệu người, là một trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Đây cũng là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông giao lưu trong nước và thế giới, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của cả nước.

Quy mô kinh tế, dân số và nhiều mặt khác của thành phố phát triển nhanh trong hơn 10 năm trở lại đây. Mô hình tổ chức các cấp chính quyền hiện nay ngày càng bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị, có tình trạng phân tán, thiếu đồng bộ, không phát huy được tính tự chủ, cản trở động lực phát triển của thành phố.

Nếu được cho phép triển khai, mô hình chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sát dân, đáp ứng nhanh nhu cầu của người dân, phù hợp với tính chất một đô thị đặc biệt, thực sự là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”.

Đề án chính quyền đô thị sẽ tạo ra những đổi mới lớn, mà điểm đột phá đầu tiên là thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức thành chuỗi đô thị với 13 quận nội thành là đô thị trung tâm. Với các khu vực còn lại sẽ hình thành 4 thành phố vệ tinh. Mục tiêu chính của mô hình chính quyền đô thị được cho là sẽ nâng cao quyền tự chủ; phát huy tính năng động, sáng tạo của thành phố thông qua các cải cách về bộ máy tổ chức; tái bố trí địa giới hành chính; thay đổi phương thức phân cấp nhằm củng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thật sự của dân; đồng thời thay đổi tư duy, phương thức điều hành của cán bộ, công chức và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

                                                                                                      P.V

;
.