Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến trình Chính phủ Đề án thí điểm Chính quyền đô thị cuối tháng 9-2013
Ngày 11-9, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị bất thường về Đề án thí điểm Chính quyền đô thị và đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị |
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Hồ Chí Minh theo đề xuất của Thành ủy thành phố.
Theo đó, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được xây dựng tại công viên phía trước trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh, do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố làm chủ đầu tư. Tượng đài phải bảo đảm yêu cầu mỹ thuật cao, kỹ thuật bền vững, đạt tầm vóc Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố được vinh dự mang tên Người, thể hiện được chân dung, cốt cách giản dị, trìu mến, gần gũi của Bác với nhân dân; đạt yêu cầu không gian kiến trúc Tượng đài có vị trí quan trọng nhất trong tổng thể đồng bộ của khu vực trung tâm Thành phố, hài hòa về cảnh quan để tạo không gian mở với trụ sở HĐND – UBND thành phố Chí Minh, Nhà hát Thành phố, đường Nguyễn Huệ - phố đi bộ…
Cũng tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh về Đề án thí điểm Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Theo Tờ trình, Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) bao gồm cấp Thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố.
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh - thành phố trực thuộc Trung ương có HĐND và UBND, có quy mô toàn bộ 24 quận, huyện hiện nay. Tại mỗi quận tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính quận do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm và miễn nhiệm. Huyện không phải là cấp chính quyền nên cơ quan hành chính huyện chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo cơ chế ủy nhiệm/ủy quyền của Chính quyền thành phố.
Đối với 4 đô thị mới thành lập (thành phố Đông, thành phố Tây, thành phố Nam, thành phố Bắc), đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Các đô thị này là cấp chính quyền cơ sở, với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ cấu chính quyền có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp.
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị |
Đối với xã và thị trấn là cấp chính quyền cơ sở, có HĐND và UBND, với cơ chế tự chủ (tương đương chính quyền 4 thành phố trực thuộc) do chính quyền thành phố quản lý theo cơ chế phân cấp.
Cơ cấu chính quyền ở mỗi cấp gồm HĐND và UBND được bầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp. Về nguyên tắc tổ chức của mô hình chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi rõ, phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát hoạt động của chính quyền và cán bộ công chức, trong đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo lộ trình, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh thông qua, trình HĐND Thành phố, dự kiến thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 9-2013. Nếu được chấp thuận, vào thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tiến hành triển khai áp dụng mô hình mới.
Ngọc Hiên