Lấy ý kiến của các Bộ ngành và cơ quan Trung ương về Dự thảo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 18-9, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Bộ ngành và cơ quan ở Trung ương về Dự thảo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tóm tắt Đề án thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh được trình bày tại Hội nghị, Chính quyền đô thị thành phố được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) bao gồm cấp Thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố trực thuộc.
Quang cảnh Hội nghị |
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh - thành phố trực thuộc Trung ương có HĐND và UBND; có quy mô toàn bộ 24 quận, huyện hiện nay. Tại mỗi quận tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính quận do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm và miễn nhiệm. Huyện không phải là cấp chính quyền nên cơ quan hành chính huyện chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo cơ chế ủy nhiệm/ủy quyền của Chính quyền thành phố.
Đối với 4 đô thị mới thành lập (thành phố Đông, thành phố Tây, thành phố Nam, thành phố Bắc), đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Các đô thị này là cấp chính quyền cơ sở, với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ cấu chính quyền có HĐND và UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp.
Đối với xã và thị trấn là cấp chính quyền cơ sở, có HĐND và UBND, với cơ chế tự chủ (tương đương chính quyền 4 thành phố trực thuộc) do chính quyền thành phố quản lý theo cơ chế phân cấp.
Cơ cấu chính quyền ở mỗi cấp gồm HĐND và UBND được bầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp. Về nguyên tắc tổ chức của mô hình chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi rõ, phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát hoạt động của chính quyền và cán bộ công chức, trong đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu dự Hội thảo đánh giá cao nỗ lực của Thành phố trong việc nghiên cứu, xây dựng Đề án này. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là nếu thông qua Đề án thì hoạt động của tổ chức đảng, hệ thống chính trị như thế nào để phát huy chức năng nhiệm vụ của mỗi tổ chức; đồng thời phải đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức như thế nào để bộ máy chính quyền thực hiện có hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng cho ý kiến xung quanh tác động của Đề án khi thực hiện (tích cực, hạn chế như thế nào) đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng tới người dân.
Các đại biểu cho rằng: đưa ra đề án chính quyền đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đã chứng tỏ được tính chủ động, mạnh dạn, sáng tạo trong việc đề nghị và ứng dụng những cái mới, phù hợp với thành phố. Trước khi trình Chính phủ, dự thảo đề án đã được đưa ra để nhiều tầng lớp nhân dân đóng góp và ghi nhận hơn 1.000 ý kiến cụ thể. Dự thảo đề án cũng cần nghiên cứu kỹ hơn để phù hợp với phần chính quyền đô thị được đề cập trong sửa đổi Hiến pháp sắp tới. Đồng thời, nên có thêm những nhánh nhỏ để từng bộ, ban, ngành có thể tham gia góp ý sâu hơn, chứ không chỉ nói về tổ chức HĐND,UBND như hiện nay.
Đi vào các vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu góp ý: thành phố Hồ Chí Minh cần nêu được những khó khăn cơ bản nếu đề án được triển khai và cách giải quyết những khó khăn đó. Cụ thể như: cơ chế lãnh đạo, quản lý của chính quyền với việc “thành phố trong thành phố” khi đề nghị thành lập 4 thành phố Đông - Tây - Nam - Bắc; nội dung đề án đang trái với hơn 100 văn bản pháp luật hiện hành, cơ chế tài chính trong mối quan hệ giữa chính quyền thành phố và chính quyền trung ương, làm thế nào để đảm bảo vai trò của các đoàn thể…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với Đề án. Đồng chí đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, đồng thời tiếp thu để Thành phố tiếp tục hoàn thiện Đề án và triển khai các bước tiếp theo. “Trong quá trình xây dựng Đề án chúng tôi luôn quán triệt nhận thức phải làm sao đảm bảo đúng tinh thần xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bám sát quan điểm, nội dung theo tinh thần cải cách tư pháp, theo các nghị quyết của Đảng, với tinh thần xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, hoạt động gần dân, phục vụ nhân dân”.
Sau Hội nghị, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng chính quyền đô thị thành phố trước khi trình Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ban cán sự Đảng.
P.V