Ninh Thuận: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của HĐND đối với công tác cải cách tư pháp

Chủ Nhật, 25/08/2013, 08:06 [GMT+7]

Sau 08 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, công tác cải cách tư pháp đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển.

Thực hiện công tác cải cách tư pháp, ngành Công an tỉnh nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trong điều tra, giải quyết vụ việc
Thực hiện công tác cải cách tư pháp, ngành Công an tỉnh nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trong điều tra, giải quyết vụ việc

Để hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban. Hàng năm, Ban Chỉ đạo đề ra chương trình trọng tâm, đồng thời phân công từng thành viên chỉ đạo từng công việc gắn với lĩnh vực công tác chuyên môn và chức trách được giao. Để tăng cường lãnh đạo, trong cơ cấu tổ chức cấp ủy luôn có cán bộ lãnh đạo các cơ quan tư pháp cùng cấp tham gia. Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng chính trị, thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo sâu sát việc phối hợp hoạt động tư pháp.

Cùng với sự lãnh đạo của các cấp ủy, HĐND các cấp đã đóng vai trò quan trọng. Ngoài việc giám sát, chất vấn hoạt động tư pháp trong các kỳ họp HĐND tỉnh và các huyện, thành phố, thực hiện chương trình trọng tâm công tác tư pháp hàng năm, HĐND các cấp đã tích cực giám sát chuyên đề bắt giam giữ và thi hành án; giám sát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Có thể nói, các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp hoạt động đúng quan điểm của pháp luật Nhà nước, không để xảy ra việc bao biện làm thay hoặc buông lỏng trách nhiệm. Nhờ đó chất lượng giám sát của HĐND đối với hoạt động tư pháp từng bước được đẩy mạnh. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; công tác phòng ngừa đối với hành vi vi phạm, tội phạm được quan tâm; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển khá sâu rộng, hoạt động có hiệu quả. Chất lượng hoạt động công tác tư pháp ở các khâu từ bắt, giam giữ, điều tra đến truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp có chuyển biến tiến bộ. Việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thương mại được thực hiện tốt. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tư pháp, nhất là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án ngày càng chặt chẽ.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đạt hiệu quả, ngành Tư pháp luôn chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện quan điểm, mục tiêu trong Nghị quyết 49 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy trên nhiều lĩnh vực như: tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; trợ giúp pháp lý; thi hành án dân sự; tạm giam, tạm giữ, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của các cơ quan tư pháp trong hệ thống chính trị; góp phần trong việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng Chương trình hành động, chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức học tập, quán triệt triển khai Nghị quyết đến 100% cán bộ, đảng viên các cơ quan Tư pháp của huyện; thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và xây dựng quy chế phối hợp 3 ngành: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án. Qua đó, công tác tư pháp đã có sự chuyển biến và nâng lên rõ rệt, các vụ việc được giải quyết nhanh hơn, đồng bộ và chất lượng hơn. Từ năm 2010 đến nay, tất cả các vụ án đều được xét xử đúng người, đúng tội. Bộ máy tổ chức tư pháp trên địa bàn huyện được kiện toàn, củng cố; đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp đảm bảo đủ số lượng và trình độ, 100% đạt chuẩn theo yêu cầu hiện nay. Tạo chuyển biến về nhận thức và sự quan tâm của cán bộ, công chức đối với công tác tư pháp; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động tư pháp đã được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ tư pháp của xã thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhờ đó đáp ứng được yêu cầu đổi mới nhiệm vụ tư pháp. Ngoài bộ phận tư pháp, Công an xã thì Ban hòa giải cơ sở và các tổ xung kích về an ninh trật tự ở các thôn cũng đóng vai trò quan trọng, cùng với chính quyền tham gia cải cách tư pháp ở địa phương. Các vụ việc liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trên lĩnh vực đất đai; xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, tội phạm trên địa bàn được thực hiện thận trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hạn chế đáng kể các vụ việc oan sai và khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.

Từ kết quả đạt được những năm qua, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được thái độ và hành động phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, sẵn sàng lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ của các cơ quan tư pháp; thực hiện tốt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân và cơ quan điều tra.

                                                                                        Ngọc Hiên

                                                                                     (Báo Nhân dân)

;
.