Đà Nẵng: Thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường
Ngày 25-8, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, huyện, phường. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Văn Hữu Chiến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương liên quan.
Đồng chí Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc |
Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương trong cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện và 45 phường. Hơn 04 năm triển khai thí điểm, mô hình này đã tạo được đồng thuận trong cán bộ và nhân dân. Kết quả rõ nét nhất là giảm được biên chế và bộ máy trung gian, giảm một phần chi phí hành chính, tính chủ động của bộ máy chính quyền được nâng cao; quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân cũng đảm bảo. Tuy nhiên, thực hiện mô hình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như: Vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thực sự rõ nét, việc giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố quá tải.
Qua 04 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, bộ máy chính quyền cơ sở của thành phố Đà Nẵng tinh gọn hơn, quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND quận, huyện, phường và tính thống nhất, thông suốt của quản lí hành chính chuyển biến tích cực đáng kể. Qua kết quả khảo sát đã có 68,8% ý kiến cho rằng việc thực hiện thí điểm không có ảnh hưởng gì đến việc đảm bảo quyền đại diện và quyền làm chủ của người dân; 62,6% số người được hỏi đánh giá việc công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến nhân dân được tăng cường hơn; 95% bày tỏ mức độ hài lòng đối với việc cung ứng các dịch vụ hành chính công; số lượng tiếp công dân tăng 1,27 lần; số lượng đơn thư khiếu nại của công dân giảm 9,6 lần so với trước đây khi còn tổ chức HĐND. Mối quan hệ công tác giữa HĐND với UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các quận, huyện được tăng cường…
Kết quả nổi bật là đã giảm biên chế và bộ phận trung gian, giảm một phần chi phí hành chính; tính chủ động của bộ máy chính quyền được nâng cao, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực vẫn duy trì tốt, kinh tế-xã hội tại các địa phương tiếp tục phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện cho thấy, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội còn lúng túng; việc tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhân dân ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiến nghị Trung ương sớm ban hành Luật hoạt động giám sát của HĐND; có văn bản hướng dẫn cụ thể cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; cho phép thành phố không tổ chức HĐND tại 11 xã của huyện Hòa Vang do tốc độ đô thị hóa cao…
Sau đợt kiểm tra này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp kết quả và các kiến nghị của 10 tỉnh/thành thí điểm không tổ chức HĐND để có đánh giá tổng kết toàn diện, trước khi quyết định có tiếp tục thí điểm hay không, hoặc sẽ đưa ra mô hình tổ chức Ủy ban hành chính cụ thể, thiết thực.
Vũ Huệ