Bà Rịa - Vũng Tàu: Tổng kết 8 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn tỉnh

Thứ Ba, 20/08/2013, 09:51 [GMT+7]

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 08 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 566.753 tín đồ các tôn giáo, với 4 tôn giáo lớn gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Ngoài ra, trên địa bàn còn có một số tôn giáo khác như: Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; Đạo Minh Sư; Đạo Minh Lý… Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời, đi vào cuộc sống tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng ta là luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho công dân. Với những quy định cụ thể, rõ ràng, Pháp lệnh đã tạo điều kiện cho các tổ chức, chức sắc các tôn giáo chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Do vậy, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong 08 năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động tôn giáo dần đi vào nề nếp; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, chức sắc các tôn giáo được nâng lên; hoạt động tôn giáo trái phép trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, nhất là trong lĩnh vực sửa chữa, xây dựng cơ sở tôn giáo, tổ chức lễ. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế liên quan đến tôn giáo được các ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc. Các thủ tục, quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết đều được niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, chức sắc tôn giáo liên hệ giải quyết công việc khi cần, được các tôn giáo đồng tình ủng hộ. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo tiếp tục được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần ổn định tình hình tôn giáo, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Toàn tỉnh đã triển khai phổ biến cho hơn 3.800 người là các cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, chức sắc, tu sĩ, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh học tập Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là dịp để công khai đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng; Đồng thời là cơ sở để giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, chức sắc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo trong hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo còn bộc lộ một số hạn chế, một số nội dung chưa được quy định trong Pháp lệnh hoặc quy định nhưng thiếu cụ thể, chưa phù hợp với đời sống văn hóa đang diễn ra hiện nay như: sinh hoạt của người nước ngoài ở Việt Nam; việc đăng ký công nhận tổ chức tôn giáo; đăng ký hội đoàn dòng tu; việc thành lập, chia, tách các tổ chức tôn giáo…

                                                                                 Nguyễn Thúy

                                        (Ban Tôn giáo Chính phủ)

;
.