Thông tấn xã Việt Nam: Tăng cường công tác thông tin về phòng, chống tham nhũng
Thứ Ba, 10/04/2018, 10:05 [GMT+7]
Quán triệt chủ trương của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quý I năm 2018, Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết Trung ương 3 khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Thông tấn xã Việt Nam; Chương trình hành động của Thông tấn xã Việt Nam về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; Quy chế công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Thông tấn xã Việt Nam.
Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác truyền thông của Thông tấn xã Việt Nam |
Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước, không được giao xây dựng văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nhưng Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng các văn bản pháp quy của ngành; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; góp ý các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành gửi đến xin ý kiến đóng góp; kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn Nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường công tác thông tin về phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, với các loại hình thông tin phong phú, đã góp tiếng nói từ thực tế, giúp cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng.
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Thông tấn xã Việt Nam tăng cường công tác thông tin về phòng, chống tham nhũng; thường xuyên cập nhật, biên soạn, hệ thống hóa các văn bản pháp luật mới, trong đó có lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, chuyển tới các đơn vị liên quan trong ngành hoặc đăng tải trên bản tin "Văn bản pháp luật mới" hằng tuần, để tuyên truyền, phổ biến trong toàn ngành.
Quý I năm nay, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Các đơn vị thông tin của Thông tấn xã Việt Nam tăng cường công tác thông tin về phòng, chống tham nhũng với nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự trên báo in, báo điện tử, truyền hình thông tấn và cung cấp cho các cơ quan báo chí sử dụng… Nội dung thông tin tập trung tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ vi phạm pháp luật, trong đó có các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; các giải pháp phòng, chống tham nhũng, cơ chế, chính sách kiểm soát và phòng ngừa tham nhũng; góp ý hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)…
Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo phóng viên theo sát các vụ án lớn, trọng điểm, đảm bảo thông tin kịp thời, chuẩn xác, đúng định hướng phiên tòa xét xử vụ Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2; phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; vụ tham ô tài sản tại PVP Land; vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank; vụ án cố ý làm trái tại Navibank; vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.085 tỷ đồng… Thông tin của Thông tấn xã Việt Nam góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tham nhũng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng. Các chi bộ làm tốt công tác quản lý giáo dục đảng viên, xây dựng và thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cá nhân; thực hiện nghiêm túc Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm; Quy định 76 về giữ mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú…
Hương Thủy
;