Hội nghị phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thứ Sáu, 27/04/2018, 15:17 [GMT+7]
    Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ông Ngô Sĩ Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị. Đại diện các cơ quan: Ủy ban Pháp luật,  Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… tham dự Hội nghị.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Tại Hội nghị, đại diện cơ quan Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình bày Báo cáo về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Các đại biểu đã thảo luận tập trung vào một số vấn đề sau đây:
 
    Một số ý kiến đề nghị Luật này chỉ điều chỉnh những vấn đề chung cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Dựa trên Luật chung này, Quốc hội thấy cần thành lập đặc khu hành chính kinh tế nào thì ra Nghị quyết thành lập đơn vị hành chính kinh tế với những quy định riêng đặc thù cho riêng đơn vị đó. Có ý kiến đề nghị không cần thiết phải ban hành Luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc thành lập các đặc khu nên được thực hiện bởi Quốc hội thông qua việc ban hành các Nghị quyết riêng rẽ cho từng đặc khu. 
Về cơ chế, chính sách tại đặc khu, đa số ý kiến tán thành với các cơ chế, chính sách được quy định trong dự thảo Luật. Đồng thời, khẳng định cần có cơ chế chính sách đặc biệt để hỗ trợ, tạo đột phá thực sự cho phát triển tập trung, ưu tiên các ngành nghề chiến lược mang tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế; cũng như kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho chỉ những ngành nghề và hoạt động kinh doanh chiến lược nêu trên, chứ không phải phát triển tất cả, dàn đều, thứ gì cũng có. Mặt khác, cần phải tạo ra thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tạo nên sự yên tâm của các nhà đầu tư.
 
    Về các ưu đãi về đất đai, đa số ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh là 70 năm, trường hợp đặc biệt là 99 năm vì quá dài, có thể gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia, về chính sách đất đai trong tương lai nói chung, nhất là trong lúc chúng ta chưa thể đánh giá được hết những tác động của chính sách này mang lại. Mặt khác, ý kiến này cũng cho rằng, phải khẳng định rõ ngay trong dự thảo luật tất cả các tranh chấp về đất đai phải giải quyết theo pháp luật Việt Nam, không thể theo quy định nước ngoài, thông lệ quốc tế hay bất kỳ tài phán nào khác. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị thời hạn sử dụng đất không nên quy định chung, mà cần phân biệt áp dụng đối với từng lĩnh vực cụ thể (như đối với kinh doanh khách sạn 5 sao thì có thể áp dụng thời hạn lâu hơn so với các lĩnh vực khác).
 
    Về mô hình chính quyền đặc khu, đa số ý kiến đề nghị không nên quy định chính quyền đặc khu tương đương cấp huyện, ít nhất phải tương đương cấp tỉnh, thành phố hoặc là một cấp riêng biệt, mang tầm cỡ quốc gia vì tương đương cấp huyện là quá nhỏ, không tương xứng với vai trò, ý nghĩa của đặc khu. Có ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng quản lý đặc khu, trong đó thuê người nước ngoài để điều hành, quản lý đặc khu, chịu trách nhiệm quyết định các vấn đề về kinh doanh, thương mại. 
 
    Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị làm rõ những lợi ích mà các đặc khu đem lại, quy định trong dự thảo Luật cần thận trọng hơn nữa để đảm bảo lợi ích của đất nước, bảo đảm vấn đề môi trường và chính sách đất đai cho người dân. Đặc biệt, Luật này cần phải thực sự tạo ra các đặc khu kinh tế có tính vượt trội, tránh vấp phải mô hình khu công nghiệp như hiện nay.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.