Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm mạnh năm 2017

Thứ Tư, 04/04/2018, 16:17 [GMT+7]
    Ngày 4-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam 2017. 
 
    Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2017 là bức tranh tổng quát về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công từ góc nhìn và trải nghiệm của người dân năm 2017; phản ánh ý kiến của 14.097 người dân với đặc điểm nhân khẩu học đa dạng, đại diện cho người dân của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Qua đó, các cấp chính quyền có thể nắm bắt được phần nào kỳ vọng của công dân đối với nền quản trị và hành chính công của đất nước. Đây là một thành công lớn của nghiên cứu, bởi PAPI cung cấp kho dữ liệu và thông tin lớn, phục vụ quy trình theo dõi thực thi và điều chỉnh chính sách của địa phương.
 
Quang cảnh Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2017
Quang cảnh Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2017
    Chỉ số PAPI tạo điều kiện cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương nơi họ cư trú, đồng thời vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân; góp phần tạo lập tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương trong quá trình hướng tới chính quyền “kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân”. PAPI đóng vai trò là công cụ đo lường hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và những ngành, lĩnh vực liên quan đến người dân nói riêng.
 
    Kết quả khảo sát PAPI 2017 cũng cho thấy xu hướng tích cực trong hiệu quả quản trị và hành chính công, nhận định này dựa trên điểm tổng hợp của 6 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. 
 
    Qua kết quả khảo sát, nhiều chuyển biến tích cực ở 5/6 nội dung khảo sát. Đáng lưu ý, trong năm 2017, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng điểm mạnh, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm.
 
    Trong đó, tỷ lệ người dân phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017; tỷ lệ phải hối lộ nhân viên y tế bệnh viện công tuyến huyện/quận cũng giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017. Tỷ lệ người trả lời cho biết, không phải đưa tiền "lót tay" để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng từ 37% năm 2016 lên 43% năm 2017.
 
    Tuy nhiên, mức độ chịu đựng tham nhũng có xu hướng tiếp tục gia tăng, mức tiền bị vòi vĩnh trung bình của cán bộ, công chức địa phương năm 2017 là 27,5 triệu đồng, tăng 2 triệu so với năm 2016. Có 33 tỉnh có mức gia tăng đáng kể nhất về chỉ số kiểm soát tham nhũng, nhiều nhất là Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai và An Giang. 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM ở nhóm thấp nhất, với số điểm lần lượt 5,52 và 5,46, trong khi đó Đà Nẵng đạt 6,96 còn Hải Phòng đứng cuối bảng với 4,36 điểm.
 
    Nhóm nghiên cứu PAPI đánh giá, trong suốt giai đoạn 2013-2016, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công liên tục giảm, việc kết quả 2017 đảo chiều cho thấy nhiều nỗ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng hiện vẫn thấp hơn điểm năm 2012.
 
    Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu nhập thường niên. Từ năm 2009 đến 2017, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 103.509 người dân trên toàn quốc.
                                                                                       Thu Huyền
;
.