Phương hướng, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp năm 2018

Thứ Năm, 01/03/2018, 14:13 [GMT+7]
    Năm 2018, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021; bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương "Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp..." do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua. 
 
    Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp
 
    Khẩn trương nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn và quán triệt, tổ chức thực hiện Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Đồng thời, triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản pháp luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua năm 2017. Tích cực triển khai nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 của Quốc hội.
 
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương triển khai nhiệm vụ năm 2018
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương triển khai nhiệm vụ năm 2018
    Về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp
 
    Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự, dân sự gắn với việc cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính của thủ trưởng cơ quan với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp của các cán bộ được giao thực hiện các hoạt động tư pháp.
 
    Về chế định luật sư, bổ trợ tư pháp
 
    Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, bổ trợ tư pháp”. Phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn vững vàng. Tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ chế khuyến khích luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của luật sư.
 
    Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả giám định; quy định chặt chẽ trình tự, quy chuẩn và cơ chế bảo đảm tính khoa học, khách quan trong hoạt động giám định; có chính sách thu hút các nguồn lực, khuyến khích người có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào hoạt động giám định tư pháp. Kịp thời sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội; nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thừa phát lại. Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp đã được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức giám định, công chứng và các hoạt động bổ trợ tư pháp khác. 
 
    Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp
 
    Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giải quyết phòng, chống tiêu cực trong từng cơ quan, tổ chức.
 
    Tiến hành tổng kết một số chuyên đề về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; đề xuất phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức đào tạo cử nhân luật và nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp; đổi mới phương thức tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
 
    Giám sát của các cơ quan dân cử và Nhân dân đối với cơ quan tư pháp 
 
    Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát đối với hoạt động của các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ tư pháp; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp. Tích cực đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau khi tiến hành giám sát; tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp Nhân dân đối với các hoạt động tư pháp, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.
 
    Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp 
 
    Tiếp tục củng cố, mở rộng hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp theo đường lối đối ngoại của Đảng, quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện tốt các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã gia nhập, ký kết; đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống, các nước có đông người Việt Nam sinh sống. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trọng tâm là hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập về tư pháp quốc tế và hoạt động phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, khủng bố quốc tế. Đề cao tinh thần cảnh giác phòng, chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trong hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp.
 
    Cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp
 
    Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan có liên quan quan tâm bố trí ngân sách cải tạo, xây mới trụ sở làm việc cho các Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, các cơ sở giam giữ, các kho vật chứng đã xuống cấp hoặc còn thiếu. Tiếp tục thực hiện chủ trương "ưu tiên trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác xét xử, công tác giám định tư pháp" đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tăng cường đầu tư ngân sách phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chương trình số hóa các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động tư pháp, xây dựng hệ thống tư pháp điện tử. Chuẩn bị cơ sở vật chất để từng bước thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can theo quy định của pháp luật.
 
    Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp
 
    Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và chế độ công tác của cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương đối với công tác cải cách tư pháp. Tăng cường chỉ đạo việc xây dựng các chương trình, kế hoạch; phân công rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp; định kỳ tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Kịp thời nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tiến hành tổng kết một số chuyên đề nhằm chuẩn bị cho việc tổng kết toàn diện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
 
    Các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm khẩn trương chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo và các cơ quan cấp trên theo quy định.
Nguyễn Văn Đoàn
;
.