Pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài
Thứ Năm, 01/03/2018, 14:57 [GMT+7]
Ngày 28-2, tại Hà Nội, Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Tọa đàm “Pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài: Phân tích so sánh kinh nghiệm quốc tế và vận dụng cho Việt Nam”. Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc UNDP Việt Nam chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nhà nước trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 364 về tội đưa hối lộ. Đây cũng là một bước tiến của Việt Nam nhằm nội luật hóa yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) liên quan tới hối lộ công chức nước ngoài tại Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao bước tiến của pháp luật hình sự Việt Nam |
Các chuyên gia đã cung cấp nhiều góc nhìn có chiều sâu về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi pháp luật về tội hối lộ công chức nước ngoài, đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình thực thi Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01-01-2018.
Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, hệ thống pháp luật về hối lộ công chức nước ngoài khá đa dạng, có nước có hẳn Luật chuyên biệt về hối lộ công chức nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc), có nước có Luật về hối lộ chung (Anh) hoặc có nước có Luật ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh (Nhật Bản), hoặc quy định trong Bộ luật hình sự (Trung Quốc). Bên cạnh những luật, đạo luật trên, hầu hết các nước này đều có Hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về tội hối lộ công chức nhà nước. Trong nhiều trường hợp, các Hướng dẫn này rất chi tiết, cặn kẽ về các yếu tố của tội phạm, cách thức áp dụng trong các trường hợp cụ thể; do vậy, những văn bản này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật trong truy tố, đấu tranh chống tội phạm về hối lộ công chức nước ngoài mà còn có giá trị tham khảo rất lớn đối với các doanh nghiệp để xem xét hành vi của mình có thể cấu thành tội hối lộ công chức nước ngoài hay không.
Ngoài khung pháp lý toàn diện, các nước này còn có một số cơ chế mạnh mẽ bảo đảm phát hiện và thực thi có hiệu quả đối với loại tội phạm này, như: Thông qua cơ chế tự phát hiện, tự báo cáo; thông tin từ các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật nước ngoài và phối hợp hoạt động; cơ quan chuyên trách về tiếp nhận và xử lý các thông tin về hối lộ công chức nước ngoài; thỏa thuận hoãn truy tố, thỏa thuận nhận tội; tương trợ tư pháp…
Tại Việt Nam, mặc dù Bộ luật Hình sự đã quy định về tội hối lộ công chức nước ngoài, song quy định này mới chỉ mang tính dẫn chiếu, chưa cụ thể. Hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn định nghĩa “công chức nước ngoài”; không có quy định cụ thể xác định trách nhiệm hình sự của người nước ngoài thực hiện hành vi hối lộ công chức nước ngoài ở nước ngoài thực hiện hành vi hối lộ công chức ở nước ngoài với tư cách đại diện cho công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự Việt Nam mới quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và không quy định trách nhiệm hình sự này đối với tội đưa hối lộ… Do vậy, sẽ tạo ra nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi quy định về tội hối lộ công chức nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;