Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật thời gian tới

Thứ Ba, 20/03/2018, 17:01 [GMT+7]
    Ngày 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 22, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Tư pháp chung quanh công tác xây dựng luật, pháp lệnh, giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật thời gian tới.
 
    Thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn ngay
 
    Phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Tham dự phiên chất vấn có Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương; lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam… và các cơ quan có liên quan lĩnh vực được chất vấn.
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/3
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19-3
    Tại phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai nhóm vấn đề. Nội dung thứ nhất, về các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt việc thẩm định bảo đảm chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các bộ trưởng: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
 
    Nội dung thứ hai, về hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; các bộ trưởng: Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
 
    Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại phiên chất vấn lần này trên cơ sở xem xét những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn hai nhóm vấn đề để chất vấn và trả lời chất vấn. Với tinh thần đổi mới, tại phiên chất vấn lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”.
 
    Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá một phút/lần; người được chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá ba phút/lần. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận; tuy nhiên thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên. Sau hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết hoặc kết luận làm cơ sở để giám sát việc thực hiện.
 
    Chú trọng xây dựng luật và thực thi pháp luật
 
    Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.
 
    Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và một số đại biểu quan tâm chất vấn, giải pháp nào bảo đảm chất lượng ban hành, thực thi văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại các bộ ngành, địa phương. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, để ban hành VBQPPL bảo đảm tính khả thi; trong quá trình thực thi pháp luật, các cơ quan Nhà nước phải nêu cao tinh thần gương mẫu; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật... có như vậy, một đạo luật được ban hành mới đi vào cuộc sống.
 
    Đại biểu Trương Minh Hoàng đặt câu hỏi, làm sao bảo đảm tiến độ xây dựng pháp luật, tránh tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật. Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, thời gian qua, việc xây dựng VBQPPL đã đạt bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng xin lùi, xin rút, đưa dự án luật ra khỏi chương trình. Thời gian tới, cần tăng tính chủ động của cơ quan chủ trì soạn thảo; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng VBQPPL.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế, nhưng có những bước chuyển biến mới, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
    Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản được bảo đảm. Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao (hầu hết các dự án luật đều được thông qua với tỷ lệ hơn 80%, có dự án đạt tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua.
 
    Báo cáo cũng đề cập, trong quá trình lập chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật. Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Có dự án phải chuyển từ quy trình hai kỳ thành ba kỳ họp như Luật tố cáo (sửa đổi), Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định...
 
    Để bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định, Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, điều hành đến tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện hoặc tham mưu để Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
 
    Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, nhất là các quy định mới như xây dựng nội dung của chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định chính sách. Bên cạnh đó, nghiên cứu, hoàn thiện quy định, quy trình xây dựng luật theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Tham mưu giúp Chính phủ lập đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi...
 
    Chung quanh các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, tiếp tục phối hợp các bộ, ngành chú trọng đẩy mạnh công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (xây dựng, triển khai kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...). Tăng cường theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực quản lý nhà nước mang tính trọng tâm, liên ngành có nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành.
 
    Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về triển khai thi hành luật, pháp lệnh; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật...
 
    Hai năm qua, Bộ Tư pháp kiểm tra theo thẩm quyền 9.415 văn bản; phát hiện, kiến nghị xử lý 301 văn bản trái pháp luật, nhất là một số thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, nghị quyết của HĐND, UBND cấp tỉnh; trình Chính phủ thông qua 67/265 đề mục của Bộ pháp điển với gần 2.000 văn bản được rà soát, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
                                                                                      Vũ Khuyên
;
.