Đổi mới, tăng cường công tác hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính
Thứ Năm, 08/03/2018, 15:01 [GMT+7]
Từ ngày 05 đến 09-3-2018, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Tọa đàm về đổi mới và tăng cường công tác hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.
Tham dự Tọa đàm có Thẩm phán Gordon Low, là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xét xử và công tác hòa giải của Mỹ; các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai Kế hoạch thí điểm tăng cường công tác hòa giải và đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, các Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên… Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo triển khai Kế hoạch thí điểm tăng cường công tác hòa giải và đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng chủ trì Tọa đàm.
Quang cảnh Tọa đàm |
Phát biểu khai mạc, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, hoà giải, đối thoại trong tố tụng dân sự và hành chính ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vụ án tại Toà án, là phương thức hiệu quả bảo đảm quyền tự định đoạt, quyền tự quyết định của đương sự. Hoà giải giúp giải quyết triệt để và hiệu quả tranh chấp mà không phải mở phiên toà xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hoà giải còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, Tọa đàm về đổi mới và tăng cường công tác hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính là một trong số các hoạt động của Kế hoạch thí điểm với sự tham gia của Thẩm phán Gordon Low, là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xét xử và công tác hòa giải của Mỹ. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu sẽ được nghe Thẩm phán Gordon Low giới thiệu về hòa giải bên cạnh Toà án và kinh nghiệm quốc tế về hòa giải; nghe các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giới thiệu, trao đổi về các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến hòa giải trong các vụ án dân sự, đối thoại trong các vụ án hành chính.
Đây là cơ hội quý báu để Tòa án nhân dân tìm hiểu sâu về những quy định liên quan đến hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết những vụ án dân sự, hành chính, đặc biệt là những kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ, tích cực tham gia trao đổi, thảo luận để Tọa đàm đạt kết quả, đóng góp vào thành công chung của Đề án toàn diện về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.
Trao đổi tại Tọa đàm, Thẩm phán Gordon J. Low đã giới thiệu về quy trình hòa giải, thực tiễn áp dụng, vai trò của hòa giải viên, những kỹ năng hòa giải cơ bản…
Theo đó, hòa giải là một quy trình trong đó các bên tranh chấp gặp nhau để giải quyết những khác biệt thông qua việc sử dụng bên thứ ba trung gian hay còn gọi là hòa giải viên (Hòa giải là một quy trình xử lý xung đột).
Theo khái niệm trên, hòa giải viên đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công tác hòa giải. Hòa giải viên là cầu nối giữa tất cả các bên; giúp tạo ra một không gian an toàn, bình đẳng cho tất cả các bên để cùng đối thoại; thực hiện vai trò hỗ trợ trung lập cho tất cả các bên. Hòa giải viên là người biết lắng nghe và tạo ý thức lắng nghe cho các bên, cho phép các bên tự mình tìm câu trả lời hoặc giải pháp của mình; giúp các bên tìm hiểu những lợi ích và các lựa chọn giải quyết; giúp các bên thoát ra khỏi ngõ cụt và xây dựng các thỏa thuận…
Để thực hiện tốt vai trò của mình, hòa giải viên cần có những kỹ năng hòa giải cơ bản. Hòa giải viên phải vô tư, khách quan, tránh thể hiện sự thiên vị hoặc chống lại bất kỳ bên nào, tránh đưa ra những phản hồi hoặc cảm xúc đối với một thông điệp cụ thể; công bằng, lịch sử nhưng đối xử cá nhân bình đẳng và hợp lý với cả hai bên. Hòa giải viên cần biết lắng, tránh những lời đồn và tập trung vào tương lai, thể hiện sự quan tâm tới cảm xúc của các bên, thấu hiểu nội tình và bản chất của vấn đề. Hòa giải viên cần tìm kiếm các lựa chọn, cụ thể giúp các bên tìm kiếm con đường để giải quyết tranh chấp, chỉ ra những lĩnh vực hợp tác hoặc cùng có lợi của hai bên, cố gắng đưa ra các giải pháp của các bên… Ngoài ra, hòa giải viên cần định hướng cụ thể cho quy trình hòa giải và phải kiên nhẫn, bình tĩnh để tìm kiến giải pháp xử lý phù hợp.
Cũng tại ngày làm việc đầu tiên của Tọa đàm, các đại biểu đã tích cực thảo luận, nêu câu hỏi về những nội dung liên quan tới công tác hòa giải, đặc biệt là kinh nghiệm của quốc tế về công tác hòa giải nhằm lựa chọn những quy trình, kỹ năng quốc tế có tính khả thi, phù hợp với pháp luật Việt Nam để triển khai ứng dụng trong thực tiễn.
Trong các ngày làm việc tiếp theo, các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam giới thiệu quy định về hoà giải trong tố tụng dân sự Việt Nam, quy định về đối thoại trong tố tụng hành chính Việt Nam.
P.V
;