Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017
Thứ Năm, 22/03/2018, 16:28 [GMT+7]
Sáng 22-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng gồm 63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh với 70,69 điểm.
Xếp sau Quảng Ninh là Đà Nẵng (70,11 điểm) và Đồng Tháp (68,76 điểm). Quảng Ninh, Đà Nẵng và Đồng Tháp cũng là những địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh xếp ở mức rất tốt duy nhất tại lần lượt 3 miền Bắc, Trung, Nam. Năm 2016, Đà Nẵng là địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất, xếp thứ 2 là Quảng Ninh. Năm nay, thứ tự đã thay đổi khi Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu.
Quang cảnh Lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 |
Trong 5 lần được xếp hạng PCI, đây là lần đầu tiên Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. Năm 2013 tỉnh này xếp thứ 4, năm 2014 xếp thứ 5, năm 2015 xếp thứ 3, năm 2016 xếp thứ 2 và năm 2017 vươn lên dẫn đầu.
Theo VCCI, phần lớn các chỉ số thành phần đánh giá PCI của Quảng Ninh đều tăng điểm trong năm 2017 (7/10 chỉ số). Các chỉ số tăng điểm là tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… Trong đó, 3 chỉ số của Quảng Ninh giảm điểm so với năm trước là gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức.
Xếp sau 3 tỉnh dẫn đầu là các tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam… Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh xếp lần lượt là vị trí thứ 8 và 13.
Đắk Nông là tỉnh có chỉ số PCI thấp nhất cả nước (55,12 điểm); Bình Phước (56,7 điểm) và Kon Tum (58,53 điểm). Nhiều tỉnh xếp nhóm cuối bảng chủ yếu đến từ vùng miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu…
VCCI đánh giá các chỉ số có cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như chi phí không chính thức giảm, thủ tục hành chính được cải thiện, an ninh trật tự được đảm bảo, cải thiện về cơ sở hạ tầng…
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng cho thấy chỉ số tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có chiều hướng ngày càng khó khăn hơn. Để mở rộng mặt bằng kinh doanh, họ cũng cảm thấy mức độ rủi ro của việc thu hồi đất ngày càng gia tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp có đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ và thấp hơn nhiều mức kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2012, 2013…
Đánh giá về bảng xếp hạng PCI năm nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng bức tranh PCI với nhiều khởi sắc. Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình. Cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng đề cập những điểm chưa hài lòng về bảng xếp hạng năm nay như: Tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
Năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.
PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Cuộc điều tra PCI 2017 đã nhận được sự phản hồi của hơn 10.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được lựa chọn điều tra theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Chỉ số PCI bắt đầu được điều tra và xếp hạng từ năm 2005 dựa trên các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Thu Huyền
;