Thông tin được công khai, đối với quyền tiếp cận thông tin của công dân
Thứ Năm, 11/05/2017, 13:09 [GMT+7]
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản quan trọng của công dân. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân. Cùng với đó là góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp; tạo tiền đề thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Về cơ bản, Luật tiếp cận thông tin năm 2016 đã cụ thể hóa tối đa phạm vi, nội dung quyền tiếp cận thông tin; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu và công khai thông tin cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc tổ chức thực thi quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tuy nhiên, Luật đã ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của Luật về nguyên tắc “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”; mẫu Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin; yêu cầu cung cấp thông tin qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp… Ngoài ra, theo tinh thần khoản 5 Điều 35 Luật tiếp cận thông tin cần bảo đảm tính thống nhất trong việc triển khai các biện pháp thi hành Luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp. Vì vậy, Bộ Tư pháp dự kiến xây dựng Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin.
Bộ Tư pháp họp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin |
Một trong những nội dung sẽ được quy định chi tiết trong Dự thảo Nghị định là công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử. Có thể nói việc đăng tải thông tin trên các trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức sẽ tạo cho việc tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm được nhiều chi phí cho cả phía các cơ quan và người dân. Có điều, không phải tất cả các cơ quan đều có trang/cổng thông tin điện tử, nên cần có quy định nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra dù chưa có trang/cổng thông tin điện tử.
Trên cơ sở đó, dự kiến quy định cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải công khai thông tin thuộc phạm vi phải công bố công khai rộng rãi và tăng cường công khai các thông tin khác (không thuộc phạm vi thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin tiếp cận có điều kiện) do mình tạo ra trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan mình. Trường hợp cơ quan chưa thiết lập được cổng/trang thông tin điện tử thì phải công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của UBND cùng cấp hoặc của cấp trên.
Tuy nhiên, việc công khai thông tin đã được quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP, song để đáp ứng yêu cầu của Luật tiếp cận thông tin có thể quy định theo hướng các trang/cổng thông tin điện tử do các bộ, ngành, địa phương đang quản lý vận hành thì tiếp tục bổ sung loại thông tin cần cung cấp, ban hành danh mục thông tin, khi danh mục được ban hành thì thông tin trong danh mục do đơn vị nào cung cấp bởi khó đủ điều kiện vật chất, con người để xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin. Đồng thời, phân biệt loại thông tin vào danh mục với loại thông tin tại chỗ, khai thác thủ công để khi có yêu cầu sẽ cung cấp cho công dân nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật…
Để đảm bảo tính khả thi của Luật tiếp cận thông tin, cần rà soát thêm một số điều khoản trên cơ sở bám sát quy định của Luật sao cho không trùng lặp với những chính sách hiện hành đã có, thiết thực triển khai trong thực tế mà không mang tiếng “chạy theo khẩu hiệu”. Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin nên theo hướng ban hành danh mục thông tin, người đứng đầu các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, ngành mình gửi các thông tin về “kho” dữ liệu.
Việc ban hành Luật tiếp cận thông tin thể hiện mạnh mẽ cam kết của Nhà nước đối với thông tin được công khai, đối với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Bởi thế, việc xây dựng văn bản quy định chi tiết phải theo hướng Nhà nước bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình, còn người dân được tiếp cận tối đa các thông tin. Từ đó, rà soát kỹ các nội dung của Luật cần quy định kèm theo các điều kiện đảm bảo thực chất trong Dự thảo Nghị định. Không quy định cứng nhắc mà để các bộ, ngành về sau có thể ban hành quy chế thực hiện, miễn không “vượt” Luật, Nghị định.
Cách thức tiếp cận vấn đề là để các cơ quan phân loại, lập danh mục và ban hành danh mục. Trong danh mục, sẽ có thông tin mà khi truy cập vào trang/cổng thông tin điện tử, công dân tiếp cận được ngay, không phải qua thủ tục nào; có thông tin tiếp cận có điều kiện (qua phiếu yêu cầu); còn lại từng bước hình thành cơ sở dữ liệu thông tin (không trùng với các dữ liệu đang có) bằng cách cập nhật thường xuyên các thông tin.
Thu Hương
(Bộ Tư pháp)
;